Cholesterol và những điều cần biết

Cholesterol là một chất béo có nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể. Gan sản xuất cholesterol đủ để cơ thể sử dụng. Ngoài ra, chúng ta cũng nạp thêm cholesterol từ thức ăn. Cơ thể có cơ chế để loại bỏ cholesterol dư thừa, tuy nhiên đôi khi hệ thống này hoạt động kém hiệu quả hoặc quá tải. Kết quả là cholesterol trong máu tăng cao và gây ra các vấn đề bệnh lý.
Về bản chất, cholesterol không xấu, nó rất cần thiết để cơ thể duy trì các chức năng bình thường, nhưng quá nhiều cholesterol có thể gây hại. Hãy theo dõi bài viết để hiểu tại sao chúng ta cần theo dõi cholesterol và làm thế nào để kiểm soát chỉ số này trong máu nhé.
1. Vai trò của Cholesterol trong cơ thể
Cholesterol có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm:
- Là thành phần cầu tạo nên màng tế bào, có vai trò bảo vệ và điều hòa các hoạt động trao đổi chất của tế bào
- Giúp gan sản xuất mật để tiêu hóa chất béo
- Hỗ trợ cơ thể sản xuất một số hormon như hormon sinh dục và Vitamin D
Gan sản xuất tới 80% lượng cholesterol trong cơ thể, phần còn lại được bổ sung từ thức ăn. Cholesterol có trong tất cả các tế bào của cơ thể. Nó có bản chất là lipid, vì vậy nó không dễ dàng di chuyển trong lòng mạch để đến được các mô thực hiện chức năng của mình. Vì vậy, nó cần liên kết với protein và một loại lipid khác là triglyceride, tạo thành phân tử gọi là lipoprotein dễ di chuyển trong máu hơn.
Lipoprotein có vai trò như một “xe chở hàng”, chịu trách nhiệm vận chuyển cholesterol từ gan đến các mô và ngược lại. Trong cơ thể có nhiều loại lipoprotetin khác nhau để thực hiện các chức năng riêng biệt.
LDL ( Low-Density Lipoprotein hay lipoprotein tỷ trọng thấp) là lipoprotein vận chuyển cholesterol đến các tế bào. HDL (High-Density Lipoprotein hay lipoprotein tỷ trọng cao) là lipoprotein vận chuyển cholesterol dư thừa từ các tế bào về gan. VLDL ( Very Low-Density Lipoprotein hay lopiprotein tỷ trọng rất thấp) có vai trò vận chuyển triglycerid từ gan đến tế bào trong cơ thể. LDL và VLDL được gọi là các “cholesterol xấu”, vì khi chúng dư thừa, sẽ gây tích tụ cholesterol bám vào các thành mạch, gây xơ vữa động mạch dẫn tới các bệnh tim mạch. HDL được gọi là “cholesterol tốt” vì nó giúp thu dọn cholesterol dư thừa tại các mô và thành mạch về gan để đào thải ra ngoài, bảo vệ tim và mạch máu khỏi xơ vữa.

2. Mức Cholesterol bình thường
Cholesterol cao hay thấp đều có những tác động đến sức khỏe. Vì vậy, cần thiết theo dõi chỉ số cholesterol để đánh giá tình trạng sức khỏe. Các chỉ số thường được đưa vào xét nghiệm mỡ máu là cholesterol toàn phần ( phản ánh tổng lượng cholesterol trong máu), LDL, HDL và Triglyceride. Bảng dưới đây cho biết chỉ số cholesterol bình thường theo tuổi và giới tính, đơn vị mg/dL:
Cholesterol cao khi chỉ số cholesterol toàn phần > 200mg/dL, cơ thể sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý chuyển hóa. Trong khi đó, cholesterol thấp khi chỉ số cholesterol toàn phần <125 mg/dL khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, thiếu năng lượng, trầm cảm, suy giảm miễn dịch.
3. Những ai nên theo dõi nồng độ cholesterol
Theo dõi nồng độ cholesterol là một phần quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là những người có nguy cơ cao về bệnh tim mạch. Dưới đây là các đối tượng nên được kiểm tra và theo dõi thường xuyên chỉ số cholesterol:
- Người trưởng thành trên 20 tuổi
- Người có các yếu tố nguy cơ tim mạch: cao huyết áp,mỡ máu, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít vận động thể chất
- Người bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường
- Người có chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, đường tinh luyện làm tăng nguy cơ cholesterol cao
4. Cách để ngăn ngừa Cholesterol cao
Ngày nay, số lượng người được chẩn đoán tăng cholesterol đang có dấu hiệu gia tăng. Có nhiều nguyên nhân trong đó phổ biến nhất đến từ chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh, những căng thẳng xã hội và tình trạng thừa cân béo phì. Điều may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát cholesterol bằng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Để bảo vệ sức khỏe nói chung và duy trì mức cholesterol ở ngưỡng cho phép, các hành động có thể thực hiện là:
Ăn uống
Cholesterol dư thừa đến từ lượng thức ăn nạp vào, những người có cholesterol tăng cao cần chú ý đến chế độ ăn hằng ngày. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cần tránh như:
- Thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt trâu)
- Sản phẩm từ sữa (sữa nguyên kem, phô mai, bơ)
- Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh
- Các loại bánh quy, bánh ngọt công nghiệp
Tăng cường chất xơ từ rau củ quả, các loại ngũ cốc và hạt. Bổ sung các chất béo không bão hòa có trong các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi và dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu đậu nành.
Những người có kèm theo các bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, mỡ máu nên hạn chế tiêu thụ đường và muối, thực hiện chế độ ăn nhạt để không làm gia tăng gánh nặng cho cơ thể.

Tập luyện thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng lượng HDLvà giảm lượng LDL, góp phần giảm cholesterol trong cơ thể. Tập thể dục với cường độ vừa phải và phù hợp với thể trạng của từng người. Không nên vận động với cường độ quá cao trong khi cơ thể chưa thể thích nghi. Các bài tập có lợi cho sức khỏe như:
- Chạy hoặc đi bộ
- Thể dục dưỡng sinh hoặc Yoga
- Đạp xe
- Bơi lội
- Thể dục dụng cụ
- Leo cầu thang

Điều chỉnh để có lối sống lành mạnh
Ngoài chế độ ăn uống và tập luyện, lối sống lành mạnh cũng giúp kiểm soát cholesterol và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày:
- Tránh hút thuốc lá và các chất gây nghiện
- Tránh thức khuya và ăn vặt vào ban đêm
- Tránh căng thẳng stress
- Không lạm dụng rượu bia
