Hiểu về sốt: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

1. Sốt là gì?
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể bạn cao hơn nhiệt độ trung bình bình thường. Sốt không phải là bệnh, nó là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe. Sốt cho thấy hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt, và cơ thể tăng nhiệt độ lên để chống lại sự nhiễm trùng.
2. Khi nào được gọi là sốt?
Nhiệt độ cơ thể bình thường là 98,6 độ F (37 độ C), tuy nhiên nó có thể giao động trong nhiều trường hợp. Nhiệt độ cơ thể thường thấp hơn vào buổi sáng và cao hơn vào buổi tối. Nó cũng cao hơn trong một số thời điểm nhất định của chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi bạn vận động thể chất.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nhiệt độ cơ thể cao hơn một chút so với trẻ lớn và người lớn. Vì vậy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiệt độ sốt cao hơn một chút.
Thân nhiệt ở từng vùng của cơ thể thường khác nhau. Khi đo ở miệng nhiệt độ cao hơn 37,5 độ C, ở tai và trực tràng trên 38 độ C thì được coi là sốt. Tuy nhiên đây không phải là nhiệt độ sốt gây nguy hiểm nên không cần quá lo lắng. Nên theo dõi thêm các triệu chứng kèm sốt và tình trạng sức khỏe để đưa ra lựa chọn điều trị.
3. Các triệu chứng của sốt
Ngoài tăng nhiệt độ cơ thể, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Cảm thấy lạnh, rùng mình và run rẩy
- Đau nhức cơ thể và đau đầu
- Mệt mỏi, mỏi cơ
- Đổ mồ hôi liên tục hoặc thi thoảng
- Da ửng đỏ hoặc nóng
- Tim đập nhanh hơn
Ở trẻ sơ sinh và trẻ em có thể có thêm các dấu hiệu như:
- Chán ăn, ăn uống kém
- Đau tai hoặc tai bị kéo
- Tiếng khóc the thé
- Khát nước quá mức
- Giảm đi tiểu

4. Các nguyên nhân phổ biến gây sốt
Sốt có nhiều nguyên nhân và là triệu chứng của nhiều bệnh. Các tình trạng phổ biến gây sốt bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
- Nhiễm trùng do virus
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiết niệu
- Nhiễm trùng da
- Phản ứng với thuốc
- Tiêm vaccin
- Rối loạn tự miễn dịch
- Bệnh ung thư
5. Khi nào cần gặp bác sĩ để điều trị sốt
Sốt ở trẻ em
Nếu trẻ sốt trên 37,5 độ C vẫn hoạt động và vui chơi bình thường thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kèm theo một trong số các điều sau thì nên đứa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị:
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi
- Sốt cao co giật
- Nổi ban khắp người
- Tiêu chảy, phân lỏng, có khi lẫn máu
- Khó thở, buồn nôn, li bì
Sốt ở người lớn
Người trưởng thành có sức đề kháng cao hơn nên việc bị sốt cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên sốt là dấu hiệu của bệnh lý, vì vậy cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Nên đi khám bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Sốt cao trên 38,5 độ C, mặc dù đã sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm
- Sốt cao kéo dài trên 3 ngày
- Có các triệu chứng kèm theo như khó thở, đau đầu dữ dội, đau ngực, phát ban, cứng cổ, lú lẫn, sợ ánh sáng, nôn liên tục
- Có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch
6. Chăm sóc sức khỏe khi bị sốt
Hạ sốt bằng biện pháp không dùng thuốc
Các trường hợp sốt nhẹ ( nhiệt độ đo được dưới 38,3 độ C) thường không cần phải hạ sốt. Sốt thường tự khỏi và ít gây ra triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, hạ sốt có thể giúp bạn dễ chịu hơn nhiều. Các biện pháp không dùng thuốc sau đây có thể giúp hạ sốt và thoải mái hơn:
Nghỉ ngơi đầy đủ
Khi bị sốt, cơ thể tăng các phản ứng miễn dịch và đốt cháy năng lượng nhiều hơn, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và đôi khi đau nhức. Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc giúp cơ thể tái tạo năng lượng và hồi phục tốt hơn.
Uống đủ nước
Việc bù nước giúp cơn sốt thuyên giảm nhanh chóng. Khi sốt, cơ thể bị mất nước qua việc toát mồ hôi và các phản ứng sinh nhiệt. Vì vậy, uống nước đầy đủ có ý nghĩa quan trọng để cơ thể chống chọi lại với bệnh tật. Trong thời gian bị sốt, chú ý không nên sử dụng các sản phẩm có chứa caffeine, vì chúng khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, tăng khả năng mất nước và cản trở quá trình hồi phục của cơ thể.
Làm mát
Tiến hành chườm mát, lau người bằng nước ấm, đặc biệt là tại các vị trí có nếp gấp như cổ, nách, bẹn. Làm thường xuyên cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C. Có thể tắm nhanh bằng nước ấm để thoát nhiệt và làm cơ thể dễ chịu.
Với các cơn sốt gây ra cảm giác ớn lạnh, không nên áp dụng các phương pháp làm mát vì sẽ gây stress cho cơ thể hơn.

Hạ sốt bằng thuốc không kê đơn
Khi sốt cao trên 39 độ C, cần thiết để sử dụng thuốc hạ sốt. Các thuốc thường được dùng là paracetamol với liều từ 10-15 mg/kg, cách tối thiểu 4-6 tiếng dùng 1 liều và ibuprofen liều từ 5-10 mg/kg, cách tối thiểu từ 6-8 tiếng dùng 1 liều. Lưu ý không dùng ibuprofen trong trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết do nguy cơ làm tăng nguy cơ chảy máu và biến chứng.
Không dùng aspirin để điều trị hạ sốt cho trẻ em dưới 18 tuổi. Dùng aspirin ở trẻ em có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Ngoài sử dụng thuốc và các biện pháp hạ sốt, dinh dưỡng cũng là điều cần được chú ý. Người bệnh khi bị sốt dễ bị chán ăn, vì vậy bổ sung các loại thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, canh hầm,... và trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, nước dừa,... giúp tăng khả năng hồi phục.

Khi các biện pháp hạ sốt không hiệu quả, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!
Nguồn tham khảo
Tổng hợp
