Thuyên tắc phổi: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Thuyên tắc phổi là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa thuyên tắc phổi.
1. Thuyên tắc phổi là gì?
Thuyên tắc phổi hay tắc mạch phổi ( Pulmonary Embolism - PE) xảy ra khi cục máu đông ở vị trí khác trôi nổi trong hệ tuần hoàn đến động mạch phổi gây tắc mạch, chặn dòng máu cung cấp cho phổi.
Máu trong cơ thể đi từ tim đến phổi thông qua động mạch phổi. Trong phổi, máu được cung cấp oxy và sau đó trở về tim, nơi bơm máu giàu oxy đến các bộ phận còn lại của cơ thể.
Khi cục máu đông bị kẹt ở một trong các động mạch đi từ tim đến phổi sẽ dẫn tới thuyên tắc phổi. Sự tắc nghẽn này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương phổi và nồng độ oxy trong máu thấp, điều này gây hại đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Thuyên tắc phổi thường di chuyển đến phổi từ tĩnh mạch sâu ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Những cục máu đông này hình thành khi máu không thể lưu thông tự do qua chân vì cơ thể bất động trong một thời gian dài, chẳng hạn như chuyến bay dài hoặc lái xe.

2. Triệu chứng thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó thường gặp nhất là:
- Khó thở đột ngột
- Đau ngực, nặng hơn khi hít vào
- Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu
- Nhịp tim không đều
- Đánh trống ngực (tim đập nhanh)
- Ho hoặc có khi ho ra máu
- Đổ mồ hôi
- Tụt huyết áp
Bạn cũng có thể có các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) như:
- Đau ở chân bị ảnh hưởng, thường xảy ra khi đứng hoặc đi bộ
- Sưng ở chân
- Đau nhức, nhạy cảm, đỏ hoặc nóng ở chân
- Da đỏ hoặc tím
- Các tĩnh mạch nông nổi lên rõ ràng

3. Nguyên nhân gây ra thuyên tắc phổi
Đông máu là một quá trình bình thường của cơ thể để ngăn ngừa chảy máu. Sau đó cục máu đông sẽ được phá vỡ để đảm bảo sự lưu thông bình thường trong lòng mạch. Trong một số trường hợp nhất định, cục máu đông không được phá vỡ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch có thể do lưu lượng máu chậm lại, bất thường trong quá trình hình thành cục máu đông hoặc do chấn thương ở mạch máu. Các cục máu đông tĩnh mạch thường xảy ra ở các tĩnh mạch sâu của chân (nằm gần xương và được bao quanh bởi cơ). Tình trạng này được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Khi cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch sâu của chân, có khả năng một phần cục máu đông sẽ vỡ ra và di chuyển qua máu đến một vùng khác trong cơ thể, thường là phổi, gây ra thuyên tắc phổi (PE).
Các nguồn thuyên tắc phổi ít gặp khác là thuyên tắc mỡ ( thường liên quan đến gãy xương lớn), thuyên tắc dịch ối, bong bóng khí và huyết khối tĩnh mạch sâu ở phần trên cơ thể. Các cục máu đông cung có thể hình thành ở đầu ống thông tĩnh mạch (IV) lưu trú, vỡ ra và di chuyển đến phổi.
4. Ai có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị thuyên tắc phổi bao gồm:
- Tiền sử gia định mắc bệnh rối loạn đông máu
- Phẫu thuật hoặc chấn thương ( đặc biệt ở chân) hoặc phẫu thuật chỉnh hình
- Các tình huống hạn chế khả năng vận động, chẳng hạn như nằm liệt giường thời gian dài, bay hoặc đi xe đường dài.
- Tiền sử có cục máu đông hoặc bất thường về mạch máu ( ví dụ suy giãn tĩnh mạch)
- Tuổi cao: nguy cơ tăng lên ở những người trên 70 tuổi
- Mắc một số bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), huyết áp cao, đột quỵ, viêm ruột
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế estrogen
- Mang thai và sinh con: phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị cục máu đông vì tử cung lớn lên chèn ép khung chậu, làm chậm lưu lượng máu từ chân. Nguy cơ cao nhất trong khoảng 6 tuần sau sinh.
- Béo phì làm tăng nguy cơ đông máu, đặc biệt những người có sẵn bệnh tim mạch, huyết áp
- Hút thuốc lá làm tổn thương các thành mạch máu, làm tăng nguy cơ đông máu.
5. Điều trị thuyên tắc phổi và cách phòng ngừa
Điều trị thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là bệnh lý cần được nhập viện điều trị kịp thời phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp điều trị phổ biến là sử dụng các thuốc chống đông máu để ngăn chặn cục máu đông phát triển lớn hơn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Trong các tình huống đe dọa tính mạng, người ta sẽ sử dụng các thuốc tiêu sợi huyết để phá cục máu đông qua tĩnh mạch.
Một số ít trường hợp cần làm phẫu thuật nếu cục máu đông rất lớn, đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ, đặc biệt là thận trọng khi dùng thuốc chống đông, không được tự ý ngưng sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Một số phương pháp phòng ngừa thuyên tắc phổi:
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Uống nước đầy đủ và chế độ ăn uống cân bằng
- Uống thuốc theo đúng chỉ định
- Bỏ hút thuốc lá
- Sử dụng tất nén giúp ép hoặc nén các tĩnh mạch và ngăn máu chảy ngược trở lại
- Đứng dậy và di chuyển càng sớm càng tốt sau phẫu thuật hoặc bị bệnh. Vận động giúp lưu thông máu, ngăn ngừa cục máu đông và huyết khối.

