Bệnh quáng gà: rối loạn thị giác cần biết

1. Quáng gà là bệnh gì?
Quáng gà ( Nyctalopia) là tình trạng mắt khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng hoặc ban đêm, tuy nhiên thị lực ban ngày không bị suy giảm. Quáng gà xảy ra là do mắt không có khả năng thích ứng nhanh chóng từ sáng sang tối. Bản thân nó không phải là căn bệnh, mà là triệu chứng của một số vấn đề về thị lực khác.
Biểu hiện của quáng gà có thể là nhìn thấy tối hơn, mờ hơn hoặc khó tập trung hơn trong điều kiện thiếu sáng. Ngoài ra, bệnh nhân quáng gà cũng mất nhiều thời gian hơn trong việc điều chỉnh thị lực khi chuyển từ nơi sáng sang nơi tối. Đôi khi, họ có thể bị giảm thị lực ngay cả trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Điều này xảy ra khi có sự bất thường của võng mạc hoặc mống mắt không được mở rộng như bình thường.

2. Nguyên nhân phổ biến gây ra quáng gà
Các tình trạng có thể gây ra bệnh quáng gà thường liên quan đến việc không đủ ánh sáng chiếu tới võng mạc hoặc võng mạc không hoạt động bình thường.
Các tình trạng liên quan đến vấn đề ánh sáng đi qua mắt gồm:
- Đục thủy tinh thể
- Cận thị
- Bệnh tăng nhãn áp
- Phẫu thuật điều chỉnh thị lực bằng laser.
Các nguyên nhân liên quan đến võng mạc gây ra bệnh quáng gà bao gồm:
- Bệnh võng mạc di truyền hiếm gặp như loạn dưỡng nón-que, viêm võng mạc sắc tố,…
- Thiếu hụt Vitamin A ( đặc biệt ở những người gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin A sau phẫu thuật giảm cân như phẫu thuật cắt dạ dày)
3. Điều trị quáng gà như thế nào?
Quáng gà có thể được điều trị khỏi nếu nguyên nhân gây bệnh có thể điều trị được như cận thị, đục thủy tinh thể hoặc thiếu hụt Vitamin A. Một số vấn đề gây ra quáng gà, đặc biệt là các bệnh di truyền không thể điều trị được, giải pháp điều trị là cố gắng hạn chế tác động của chứng quáng gà hoặc các triệu chứng khác.
Vì nguyên nhân gây ra quáng gà do nhiều vấn đề khác nhau, nên các phương pháp điều trị cũng không giống nhau. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân dựa trên vấn đề mà họ gặp phải.
4. Làm sao để biết mình có bị quáng gà hay không?
Bạn không thể tự chẩn đoán hoặc điều trị khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ. Mặc dù hầu hết các nguyên nhân gây bệnh không nguy hiểm, nhưng chúng có thể làm gián đoạn thị lực, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì vậy, khi có các nỗi băn khoăn như dưới đây, bạn có thể cân nhắc đi thăm khám bác sĩ:
- Bạn có thấy khó khăn khi di chuyển trong nhà vào ban đêm, ngay cả khi có đèn ngủ không?
- Việc lái xe vào ban đêm có khó khăn không?
- Bạn có tránh ra ngoài vào ban đêm vì sợ vấp ngã không?
- Mắt bạn có mất nhiều thời gian để thích nghi với bóng tối không?
- Bạn có gặp khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt mọi người trong điều kiện tối không?
Quáng gà thực sự mang lại những sự phiền phức khi bạn ở trong điều kiện ánh sáng không tốt. Bạn có thể bị giảm thị lực, tầm nhìn kém hơn, dẫn đến những sai lầm trong phán đoán và nhận thức. Điều này rủi ro hơn khi bạn lái xe lúc chạng vạng hay trời tối, vì mắt sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giữa bóng tối và các nguồn sáng như đèn đường hoặc đèn pha. Vì vậy, khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn giải pháp điều trị.

