Thiếu máu não: Các dấu hiệu cảnh báo, nguyên nhân và cách phòng ngừa

1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn não, là tình trạng giảm lưu lượng máu đến não, khiến não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để duy trì hoạt động. Tình trạng giảm lưu lượng này có thể là tạm thời hoặc kéo dài, dẫn đến các tình trạng tổn thương thần kinh khác nhau. Não là cơ quan tiêu thụ tới 20% lượng oxy trong cơ thể, thiếu oxy do thiếu máu não có thể gây tổn thương não đáng kể trong vòng vài phút.
Thiếu máu não có hai dạng là cục bộ và toàn bộ. Thiếu máu não cục bộ thường phát sinh do tắc nghẽn lưu lượng máu tới động mạch đến não, thường là kết quả của huyết khối hoặc tắc mạch. Thiếu máu não cục bộ đủ lâu sẽ làm chết các tế bào thần kinh, dẫn tới tình trạng đột quỵ. Thiếu máu não toàn bộ thường do nguyên nhân hạ huyết áp toàn thân hoặc rối loạn chức năng của tim. Khi hiệu ứng này thoáng qua, tình trạng này thường biểu hiện dưới dạng tiền ngất hoặc ngất. Nếu thiếu máu toàn bộ kéo dài có thể tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
2. Triệu chứng của thiếu máu não
Nếu triệu chứng thiếu máu não cục bộ ngắn có thể tự khỏi trước khi xuất hiện nhồi máu não thì được gọi là thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Các triệu chứng thiếu máu não có thể từ nhẹ đến nặng, kéo dài trong thời gian ngắn từ vài giây đến vài phút, bao gồm:
- Đau đầu: cơn đau đầu âm ỉ, kéo dài, thường bắt đầu từ cảm giác đau nhói ở một vùng cố định trên đầu, sau đó lan ra khắp đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt: đây là triệu chứng thường gặp do nhiều vấn đề sức khỏe gây ra. Nếu tình trạng này xuất hiện khi cơ thể đang khỏe mạnh có thể xuất phát từ nguyên nhân do thiếu máu não.
- Mất tập trung: thiếu máu lên não ảnh hưởng lên khả năng ghi nhớ và tập trung
- Chân tay tê mỏi: thiếu máu não có thể gây ra cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay và cảm giác có kiến bò râm ran dưới da. Tình trạng thiếu máu não cục bộ nghiêm trọng có thể dẫn đến những triệu chứng như khó khăn khi nói, cứng môi, cứng hàm, thậm chí tê liệt mặt.
- Suy giảm thị lực: thiếu máu não ảnh hưởng đến thần kinh thị giác như nhìn mờ, hoa mắt,…
- Mất ngủ: thiếu máu não ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như khó vào giấc, ngủ không sâu, dễ bị tỉnh giấc. Điều này lâu dần làm giảm khả năng ghi nhớ, nghiêm trọng hơn là các rối loạn lo âu, trầm cảm.

3. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não
Thiếu máu não có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: đây là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tới 80% các nguyên nhân gây thiếu máu não. Xơ vữa động mạch gây hẹp lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu lên não. Ngoài ra, xơ vữa động mạch có thể hình thành nên các cục máu đông lơ lửng trong lòng mạch, gây nguy cơ tắc mạch.
- Thoái hóa đốt sống cổ: thoái hóa gây chèn ép các mạch máu dẫn lên não, làm giảm lượng máu lên não
- Các bệnh lý về tim mạch: chức năng bơm máu của tim bị suy giảm gây thiếu máu não
Ngoài các nguyên nhân chính, một số bệnh lý và thói quen không lành mạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ thiếu máu não:
- Thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Lao động trí óc cường độ cao, kết hợp lười vận động
- Chế độ ăn uống nhiều chất béo và dầu mỡ, ít chất xơ
- Thức khuya, thiếu ngủ
- Làm việc với điện thoại, máy tính thời gian dài
4. Điều trị và phòng ngừa thiếu máu não
Điều trị thiếu máu não bao gồm việc cải thiện lưu thông máu và điều trị các nguyên nhân cơ bản. Người bệnh cần đi khám và xác định các bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, huyết áp, xơ vữa động mạch,...Bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc để tăng cường tuần hoàn não như gingko biloba, piracetam,...để điều trị chung với các bệnh lý mạn tính. Trong trường hợp có xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định đặt stent hoặc phẫu thuật loại bỏ mảng bám trong lòng mạch.
Việc điều trị cần được kết hợp với lối sống khoa học và lành mạnh như:
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, tăng cường trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất
- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên, tập thể dục tối thiểu 30 phút một ngày
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian quá dài, đặc biệt là ban đêm
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh tình trạng thừa cân, béo phì
- Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Định kỳ đi thăm khám sức khỏe, đặc biệt là khi có các dấu hiệu thiếu máu não với tần suất cao.

