Vô sinh và những câu hỏi thường gặp

1. Vô sinh là gì?
Đối với các cặp vợ chồng mong con, khó khăn trong việc có con gây nhiều muộn phiền và nản lòng. Đấu tranh với tình trạng vô sinh để chào đón những đứa con là một quá trình dài. Một trong những bước quan trọng ban đầu là hiểu được các nguyên nhân có thể gây vô sinh.

Vô sinh được định nghĩa là tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng có quan hệ tình dục không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào từ 6 tháng đến hơn 1 năm.
Mang thai là kết quả của một quá trình gồm nhiều bước:
- Cơ thể người phụ nữ phải giải phóng một quả trứng từ một trong hai buồng trứng của họ
- Tinh trùng của người đàn ông phải kết hợp với trứng trong suốt quá trình thụ tinh
- Trứng thụ tinh phải đi qua ống dẫn trứng hướng về phía tử cung
- Phôi thai phải bám vào bên trong tử cung để làm tổ
Vô sinh có thể là kết quả của vấn đề ở một hoặc nhiều bước trong số này.
2. Có những loại vô sinh nào?
Vô sinh được phân thành hai dạng là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát, cụ thể:
- Vô sinh nguyên phát: tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng, trong đó người vợ chưa mang thai lần nào dù không dùng biện pháp tránh thai
- Vô sinh thứ phát: tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng đã từng sinh con ( hoặc mang thai, bao gồm những lần sảy thai).
3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng vô sinh?
Cả nam giới và nữ giới đều có khả năng bị vô sinh. Các rối loạn về chức năng sinh sản do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ
Phụ nữ cần buồng trứng hoạt động, ống dẫn trứng và tử cung để có thai. Các tình trạng ảnh hưởng tới bất cứ cơ quan sinh sản nào của phụ nữ đều tác động đến tình trạng vô sinh.
- Rối loạn chức năng buồng trứng
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường kéo dài từ 28-35 ngày. Một phụ nữ có kinh nguyệt không đều, ngắn hơn hay dài hơn thời gian nói trên có thể phản ánh sự bất thường của quá trình rụng trứng. Một số tình trạng có thể gây ra các vấn đề liên quan đến chức năng buồng trứng bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), dự trữ buồng trứng giảm, suy yếu chức năng vùng dưới đồi và tuyến yên, suy buồng trứng nguyên phát
- Tắc ống dẫn trứng
Tắc ống dẫn trứng khiến trứng khó được thụ tinh hoặc khó khăn trong việc di chuyển vào buồng tử cung. Một số yếu tố nguy cơ gây tắc ống dẫn trứng bao gồm: tiền sử viêm nhiễm vùng chậu, vỡ ruột thừa, bệnh lậu, bệnh Chlamydia, lạc nội mạc tử cung,…
- Bất thường của tử cung
Tử cung có thể được đánh giá bằng siêu âm qua ngã âm đạo để tìm kiếm các vấn đề khác nhau. Siêu âm tử cung hoặc nội soi tử cung có thể đánh giá được sức khỏe tử cung. Các vấn đề ảnh hưởng đến tử cung như: dính buồng tử cung, polyp nội mạc tử cung, lạc nội mạc, u xơ tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới
Vô sinh ở nam giới có thể do rối loạn chức năng tinh hoàn hoặc xuất tinh, cũng như do rối loạn nội tiết tố và di truyền, thường được đánh giá bằng xét nghiệm tinh dịch, tiền sử bệnh án và khám sức khỏe.
Một số nguyên nhân dẫn tới vô sinh ở nam giới bao gồm:
- Rối loạn chức năng tinh hoàn hoặc xuất tinh
Các tình trạng gây rối loạn chức năng tinh hoàn hoặc xuất tinh như giãn tĩnh mạch thừng tinh, chấn thương tinh hoàn, sử dụng rượu bia và các chất kích thích, các bệnh lý mạn tính, dùng thuốc điều trị,…
- Rối loạn nội tiết tố
Chức năng không bình thường của vùng dưới đồi hoặc tuyến yên là những rối loạn nội tiết tố có thể gây vô sinh. Các tuyến này sản xuất ra các hormon duy trì chức năng bình thường của tinh hoàn. Các tình trạng làm tổn thương hoặc suy yếu vùng dưới đồi hoặc tuyến yên có thể dẫn tới tình trạng ít tinh trùng hoặc không có tinh trùng.
- Rối loạn di truyền
Các tình trạng rối loạn di truyền có thể khiến tinh trùng không sản xuất hoặc sản xuất ít tinh trùng.
4. Yếu tố nguy cơ nào làm tăng nguy cơ vô sinh?
Ở phụ nữ
Khả năng sinh sản của phụ nữ bị suy giảm khi:
- Tuổi tác: khả năng sinh sản giảm theo tuổi tác chủ yếu là do chất lượng trứng giảm theo thời gian, đặc biệt là sau tuổi 35. Phụ nữ lớn tuổi có ít trứng hơn và dễ mắc các vấn đề về sức khỏe hơn, do đó khả năng thụ thai sẽ kém, và nếu có cũng tăng nguy cơ bị sảy thai hơn.
- Hút thuốc lá
- Sử dụng rượu và chất kích thích quá mức
- Bị thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân
- Căng thẳng quá mức dẫn đến mất kinh ( vô kinh)
- Ăn uống không lành mạnh, ăn uống kiêng khem quá mức gây thiếu vi chất hoặc ăn uống vô độ gây thừa cân, béo phì.
Ở nam giới
Khả năng sinh sản của nam giới bị suy giảm khi:
- Tuổi tác: nam giới trên 40 tuổi sẽ giảm sản xuất tinh trùng, gây khó khăn cho việc thụ thai
- Thừa cân hoặc béo phì
- Hút thuốc lá
- Sử dụng quá nhiều rượu hoặc các chất kích thích
- Tiếp xúc với bức xạ, một số loại thuốc hoặc chất độc trong môi trường
- Thường xuyên để tinh hoàn tiếp xúc với nhiệt độ cao.
5. Khi nào thì các cặp đôi cố gắng thụ thai nên đi khám bác sĩ ?
Cơ hội sinh con của phụ nữ giảm nhanh chóng mỗi năm sau tuổi 30. Các cặp đôi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau nên tổ chức thăm khám bác sĩ sớm khi đang cố gắng thụ thai:
Đối với phụ nữ
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt
- Tiền sử lạc nội mạc tử cung hoặc đau bụng kinh dữ dội
- Tiền sử mắc bệnh viêm vùng chậu
- Bệnh tử cung hoặc ống dẫn trứng đã biết hoặc nghi ngờ
- Có tiền sử sảy thai nhiều lần
- Các tình trạng di truyền hoặc mắc phải làm giảm dự trữ buồng trứng
Đối với nam giới
- Có tiền sử chấn thương tinh hoàn
- Đã từng sử dụng hóa trị liệu
- Rối loạn chức năng tình dục
- Có bất cứ bất thường nào đối với cơ quan sinh dục.
6. Các phương pháp hỗ trợ điều trị vô sinh phổ biến là gì?
IUI
Đây là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đưa tinh trùng vào buồng tử cung để thực hiện quá trình thụ tinh. Đây là một kỹ thuật đơn giản, tốn ít chi phí, ít xâm lấn, tuy nhiên hiệu quả thành công không cao.
IVF
Thụ tinh ống nghiệm ( IVF) là một kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn phổ biến. Tinh trùng của nam giới và trứng của nữ giới sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi, sau đó sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để phát triển thành thai nhi.
Tiêm tinh trùng vào bào tương
Trong phòng thí nghiệm, tinh trùng từ nam giới sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng của nữ giới để tạo thành phôi, thường áp dụng cho những nam giới có ít tinh trùng. Sau đó phôi sẽ được đặt vào tử cung của người phụ nữ. Tỷ lệ thành công của phương pháp này khoảng 20-40%.

7. Biến chứng của việc điều trị vô sinh là gì?
Các biến chứng của việc điều trị có thể gặp là:
- Khả năng sinh đôi hoặc nhiều hơn: việc sản xuất quá nhiều trứng và chuyển nhiều hơn một phôi thai làm tăng nguy cơ mang nhiều hơn một thai nhi. Các biến chứng như sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân, tử vong sơ sinh và biến chứng sức khỏe lâu dài đối với người mẹ mang đa thai.
- Hội chứng quá kích buồng trứng ( OHSS): đây là một tình trạng gây đau và sưng buồng trứng do thuốc hỗ trợ sinh sản. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Thai ngoài tử cung: IVF làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
