Tìm hiểu về glycoside tim: công dụng và chỉ định điều trị

1. Glycoside tim là gì?
Glycoside tim là thuốc dùng điều trị cho những bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch, như suy tim hoặc rung nhĩ. Do nguy cơ quá liều, glycoside tim không phải là lựa chọn đầu tay cho các tình trạng này, nó chỉ được sử dụng khi các loại thuốc khác không có tác dụng.
Glycoside tim bao gồm digoxin, digitalis và digitoxin, có nguồn gốc từ cây mao địa hoàng (digitalis). Một số loại glycoside tim khác bao gồm oleandrin, bufalin và ouabain.
Digoxin là glycoside tim được kê đơn phổ biến nhất.

2. Glycoside tim hoạt động như thế nào?
Glycoside tim hoạt động bằng cách ức chế màng tế bào bơm natri ra ngoài. Điều này làm tăng lượng natri trong tế bào, dẫn đến việc canxi tích tụ trong các tế bào nhiều hơn. Khi các tế bào giải phóng canxi, nó tạo ra các cơn co thắt cơ tim mạnh hơn. Thể tích nhát bóp vì vậy mà cũng cao hơn, nghĩa là tim bơm được nhiều máu hơn trong mỗi nhịp đập. Điều này có thể làm tăng tổng lượng máu mà tim bơm được, hay tăng lưu lượng tim.
Việc co bóp cơ tim mạnh hơn và cung lượng tim tốt hơn có lợi cho những người bị suy tim.
Những loại thuốc này cũng có thể làm chậm tín hiệu điện trong nút nhĩ thất (AV) kiểm soát nhịp tim, làm chậm nhịp tim. Điều này có lợi cho những người bị suy tim, đặc biệt khi họ có các vấn đề khác như rung nhĩ.
3. Chỉ định của thuốc Glycoside tim
Glycoside tim, đặc biệt là Digoxin, được chỉ định cho những bệnh nhân bị suy tim hoặc rối loạn nhịp tim khi mà những loại thuốc khác không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Glycoside tim thường được sử dụng trong các trường hợp cụ thể như:
- Giảm các triệu chứng suy tim và tăng khả năng gắng sức cho bệnh nhân
- Trong các rối loạn nhịp nhanh trên thất như cuồng nhĩ, rung nhĩ hoặc nhịp nhanh trên thất, thuốc làm chậm tần số thất, ổn định nhịp tim và cải thiện triệu chứng.

4. Chống chỉ định của thuốc Glycoside tim
Glycoside tim được chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp sau, do việc sử dụng thuốc có thể nguy hại nghiêm rọng cho sức khỏe người bệnh:
- Block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3: thuốc có thể làm chậm nhịp tim nghiêm trong hơn, gây nguy hiểm cho người bệnh
- Viêm cơ tim: thuốc có hể làm trầm trọng hơn tình trạng viêm và tổn thương cơ tim
- Loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất: glycoside tim không có hiệu quả trong các trường hợp này, có thể làm tình trạng xấu đi.
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: thuốc có thể làm tăng lực co bóp, gây tắc nghẽn đường ra của tâm thất trái.
- Hội chứng Woff-Parkinson-Uwhite có kèm rung nhĩ: nguy cơ cao gây ra rung thất hoặc nhịp nhanh thất, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng glycoside tim
Tác dụng phụ
Glycoside tim có tác dụng điều trị suy tim và chậm nhịp tim, nhưng chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Tác dụn phụ này thường liên quan đến liều lượng hoặc nồng độ thuốc trong máu cao, dẫn tới ngộ độc.
- Trên tim mạch: loạn nhịp tim, block nhĩ thất
- Trên tiêu hóa: buồn nôn và nôn, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy
- Trên thần kinh: chóng mặt, nhức đầu, mờ mắt, lú lẫn, mất phương hướng
- Trên hệ miễn dịch và da: phát ban, mẩn đỏ, ngứa da.
Vì glycoside tim tồn tại trong cơ thể một thời gian dài, nên loại thuốc này có thể gây tích tụ. Đây là lý do vì sao cần phải sử dụng liều thấp nếu sử dụng chúng trong một thời gian dài, đồng thời bác sĩ cần phải theo dõi cẩn thận để đảm bảo liều điều trị mà không gây ra tác dụng phụ.
Độc tính của glycoside tim
Bên cạnh tác dụng phụ, độc tính từ glycoside tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến tử vong
- Buồn ngủ
- Các vấn đề về thị lực, như nhìn thấy màu vàng hoặc xanh lá cây
- Đau bụng
Quản lý tình trạng độc tính thường liên quan đến việc điều chỉnh mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Ngoài ra, có thể cần sử dụng thuốc để ổn định tình trạng của bệnh nhân.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
