Tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, các biến chứng và cách phòng ngừa

1. Tăng huyết áp là gì ?
Tất cả chúng ta đều có huyết áp, được đo bằng áp lực mà máu tác động lên thành mạch khi được tim bơm đi khắp cơ thể. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe tim mạch và tuần hoàn. Huyết áo được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân ( mmHg) và gồm hai chỉ số chính:
- Huyết áp tâm thu: là áp lực máu khi tim co bóp để bơm máu ra khỏi tim
- Huyết áp tâm trương: là áp lực máu khi tim giãn ra giữa các nhịp đập
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp Bộ y tế 2010 định nghĩa:
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg
Tăng huyết áp được chia làm hai thể: tăng huyết áp tiên phát ( tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát ( tăng huyết áp có nguyên nhân). Tăng huyết áp vô căn là thể thường gặp nhất, chiếm đến 90% các trường hợp và không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Cơn tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao lên trên 180/120 mmHg. Cơn tăng huyết áp được chia làm hai loại: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp. tăng huyết áp cấp cứu là huyết áp tăng trên 180/120 mmHg và có bằng chứng tổn thương cơ quan đích ( bệnh não tăng huyết áp, tổn thương võng mạc, suy thận cấp, nhồi máu cơ tim). Tăng huyết áp khẩn cấp thì chưa có tổn thương cơ quan đích. Nhưng cả hai thể đều phải điều trị ngay và kịp thời.

2. Phân độ tăng huyết áp
Phân độ tăng huyết áp theo mức huyết áp đo tại phòng khám (mmHg) như sau:
Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng mức phân độ thì chọn mức cao hơn để xếp loại. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng được phân độ theo các mức biến động của huyết áp tâm thu.
3. Nguyên nhân tăng huyết áp
Tăng huyết áp thứ phát ( tăng huyết áp có nguyên nhân) bao gồm nhiều yếu tố:
- Bệnh thận cấp hoặc mạn tính: viêm cầu thận cấp/ mạn tính, viêm thận kẽ, sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận.
- Hẹp động mạch thận
- U tủy thượng thận
- Cường aldosterone
- Hội chứng Cushing’s
- Bệnh lý tuyến giáp/cận giáp, tuyến yên.
- Do thuốc như các thuốc kháng viêm NSAIDs, corticoid, cam thảo, hoạt chất chống giao cảm trong thuốc nhỏ mũi/ thuốc cảm
- Hẹp eo động mạch chủ
- Nhiễm độc thai nghén
- Ngừng thở khi ngủ
4. Các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp
Tăng huyết áp có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra, trong đó có những yếu tố không thể kiểm soát được và những yếu tố có thể thay đổi.
Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
- Tuổi tác: nguy cơ tăng huyết áp ở những người lớn tuổi là cao hơn, do mạch máu trở nên cứng và hẹp hơn
- Di truyền: tăng huyết áp là bệnh có khả năng di truyền, vì vậy nếu gia đình có người bị tăng huyết áp thì nguy cơ gặp cao hơn
- Chủng tộc: một số nhóm dân cư như người gốc Phi có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn.
Yếu tố có thể thay đổi được
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn thực phẩm chứa nhiều muối natri và thiếu kali. Các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc thực phẩm chế biến sẵn.
- Thừa cân, béo phì: cân nặng tăng làm tim phải hoạt động nhiều hơn, làm tăng áp lực lên thành mạch, từ đó làm tăng huyết áp
- Lối sống ít vận động: thiếu hoạt động thể chát làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Hút thuốc lá: nicotin trong thuốc lá làm xơ cứng động mạch, giảm sự đàn hồi của mạch máu
- Uống nhiều rượu bia gây tăng huyết áp và tổn thương tim
- Căng thẳng stress: căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản sinh hormon cũng làm tăng huyết áp.

5. Triệu chứng và biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Triệu chứng của tăng huyết áp
Hầu hết những người bị tăng huyết áp không cảm thấy bấy kỳ triệu chứng nào. Những người có huyết áp rất cao ( thường là 180/120 hoặc cao hơn) có thể gặp các triệu chứng bao gồm:
- Đau đầu dữ dội
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Khó thở
- Buồn nôn, nôn mửa
- Nhìn mờ, thay đổi thị lực
- Nhịp tim bất thường
- Bồn chồn, lo lắng
- Chảy máu mũi
- Tiếng vo ve trong tai
Nếu đang bị huyết áp cao và có bất cứ triệu chứng nào, hãy đi khám ngay lập tức.
Các biến chứng của tăng huyết áp
- Đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh
- Phì đại thất trái, suy tim
- Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực
- Bệnh mạch máu ngoại vi
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị
- Protein niệu, tăng creatinin huyết thanh, suy thận.
6. Điều trị tăng huyết áp
Nguyên tắc điều trị chung:
- Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi, điều trị đúng và đủ, hằng ngày, điều trị lâu dài
- Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”
- Huyết áp mục tiêu cần đạt là <140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu bệnh nhân vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì mục tiêu cần đạt là 130/80 mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo dõi chặt chẽ, định kỳ.
- Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp chính:
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi: amlodipin, nifedipin, felodipin
- Nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: lisinopril, captopril, vasartan, losartan,…
- Nhóm chẹn beta giao cảm: metoprolol, bisoprolol,…
- Thuốc lợi tiểu: thường dùng lợi tiểu thiazide
7. Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và duy trì huyết áp, giảm biến chứng có thể gặp:
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giảm ăn mặn (ít hơn 6g muối tương đương với 1 thìa cà phê mỗi ngày)
- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi
- Hạn chế thức ăn nhiều cholesterol và chất béo bão hòa no
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số cơ thể BMI lý tưởng từ 18,5 - 22,9 ( kg/m2)
- Duy trì vòng bụng dưới 90 ở nam và dưới 80 ở nữ
- Hạn chế uống rượu bia, từ bỏ thuốc lá
- Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với thể trạng, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày
- Tránh lo âu, căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý
- Tránh bị lạnh đột ngột.

