Các triệu chứng của rối loạn điện giải và cách giải quyết

Rối loạn điện giải hay mất cân bằng điện giải xảy ra khi nồng độ khoáng chất nhất định trong máu quá cao hoặc quá thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn điện giải và các triệu chứng xảy ra phụ thuộc vào loại điện giải và mức độ rối loạn. Hãy cùng chúng tôi chỉ ra các nguyên nhân, triệu chứng và cách giải quyết khi cơ thể gặp phải tình trạng rối loạn điện giải.
1. Chất điện giải là gì?
Chất điện giải là khoáng chất giải phóng điện tích khi chúng hòa tan trong chất lỏng như máu và nước tiểu. Chất điện giải trong máu, mô, nước tiểu và các chất lỏng cơ thể khác đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chất lỏng cơ thể, điều chỉnh nhịp tim và hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ.
Các chất điện giải chính có trong cơ thể bao gồm canxi, magie, kali, natri, photpgat và clorua. Bạn có được chất điện giải thông qua thực phẩm, các loại đồ uống và chất bổ sung, trong khi đó bạn mất chúng một phần thông qua thể dục, đổ mồ hôi, đi vệ sinh và đi tiểu. Một chế độ ăn uống kém, tập thể dục quá ít hoặc quá nhiều, bị bệnh là các nguyên nhân có thể gây mất cân bằng điện giải.
2. Vai trò chính của các chất điện giải trong cơ thể
- Canxi: hỗ trợ co cơ, truyền tín hiệu thần kinh, đông máu, hình thành và duy trì cấu trúc xương và răng
- Kali: duy trì huyết áp ổn định, điều hòa co bóp tim, hỗ trợ chức năng cơ
- Magie: cần thiết cho sự co cơ, nhịp tim bình thường, chức năng thần kinh, tăng cường sự chắc khỏe xương, giảm lo âu, hỗ trợ tiêu hóa và duy trì sự cân bằng ổn định giữa protein và chất lỏng.
- Natri: duy trì sự cân bằng chất lỏng, cần thiết cho sự co cơ và truyền tín hiệu thần kinh.
- Clorua: duy trì sự cân vằng chất lỏng
- Photphat: chịu trách nhiệm cho một số phản ứng enzyme và đóng vai trò trong quá trình khoáng hóa xương, sức khỏe răng miệng, chức năng tế bào.
3. Nguyên nhân gây rối loạn các chất điện giải
Các chất điện giải được đặt tên như vậy vì chúng thực sự có điện tích. Chúng phân tách thành các ion tích điện dương và âm khi hòa tan trong nước.
Sự mất cân bằng điện giải có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm thuốc men, mất nước, các bệnh cấp tính và mãn tính. Một số nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng điện giải bao gồm:
- Bị bệnh với các triệu chứng đi kèm như nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi, sốt cao
- Chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu từ thực phẩm nguyên chất
- Vấn đề về hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn do các bệnh lý về đường tiêu hóa
- Sự mất cân bằng nội tiết và rối loạn nội tiết
- Dùng một số loại thuốc bao gồm thuốc điều trị ung thư, bệnh tim, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu,…
- Bệnh thận hoặc tổn thương thận ảnh hưởng đến việc tái hấp thu hoặc đào thải chất điện giải
- Các phương pháp điều trị bằng hóa trị có thể gây tác dụng phụ là hạ canxi máu hoặc thiếu canxi, thay đổi nồng độ kali trong máu và các tình trạng thiếu hụt điện giải khác.

4. Các dấu hiệu và triệu chứng do rối loạn điện giải
Tùy thuộc vào loại điện giải bị mất cân bằng, một số triệu chứng có thể xảy ra như:
- Đau nhức cơ, co thắt, chuột rút, co giật và yếu cơ
- Bồn chồn, lo lắng
- Đau đầu thường xuyên
- Cảm thấy rất khát
- Mất ngủ
- Sốt
- Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều
- Các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy
- Lú lẫn và khó tập trung
- Rối loạn xương
- Thay đổi huyết áp
- Mệt mỏi
- Tê và đau khớp
- Chóng mặt, đặc biệt khi đứng dậy đột ngột
- Tiêu cơ vân ( có thể bao gồm đi tiểu ra nước tiểu đục màu nâu hoặc màu trà/cola)

5. Chẩn đoán rối loạn điện giải
Để chẩn đoán rối loạn điện giải, bác sĩ sẽ dựa trên các dấu hiệu của bệnh nhân và các chỉ số xét nghiệm máu và nước tiểu. Đôi khi cũng cần xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm hoặc chụp X-quang thận để phát hiện tình trạng mất cân bằng điện giải nghiêm trọng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc biến chứng tim.
Nồng độ được đo trên mỗi lít máu và tình trạng mất cân bằng điện giải được chẩn đoán khi giá trị cao hơn hoặc thấp hơn phạm vi bình thường dưới đây:
- Canxi : 5-5,5 mEq/L
- Clorua: 97-107 mEq/L
- Kali: 5-5,3 mEq/L
- Magie : 1,5-2,5 mEq/L
- Natri:136-145 mEq/L
6. Phương pháp điều trị mất cân bằng điện giải
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Đối với nhiều người, chế độ ăn uống kém, sử dụng nhiều thực phẩm có chứa nhiều natri nhưng ít chất điện giải khác như magie hoặc kali sẽ dẫn đến mất cân bằng. Nhiều trường hợp mất cân bằng điện giải chỉ cần khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, thay thế thức ăn chế biến sẵn bằng những thực phẩm tươi tự chế biến tại nhà.
Các loại rau củ và trái cây là nguồn cung cấp kali và magie tốt, đặc biệt là các rau lá xanh, rau họ cải, khoai lang, bí, chuối và bơ.
Các loại thực phẩm chứa nhiều nước bổ sung nước cho cơ thể như: nước dừa, cần tây, dưa hấu, dưa chuột, kiwi, ớt chuông, trái cây cam quýt

Điều trị y tế khi rối loạn điện giải
Trong các trường hợp mất nước, bác sĩ sẽ đề nghị bù nước bằng đồ uống điện giải hoặc dung dịch bù muối nước Oresol. Cần sử dụng đúng liều lượng và pha theo tỉ lệ đã được khuyến nghị để tránh làm bệnh trầm trọng hơn.
Các phương pháp điều trị y tế cho tình trạng mất cân bằng điện giải bao gồm:
- Truyền dịch tĩnh mạch như natri clorua để bù nước cho cơ thể
- Truyền thuốc pha tĩnh mạch để phục hồi cân bằng điện giải
- Thuốc hoặc thực phẩm bổ sung để thay thế chất điện giải đã mất
- Thẩm phân máu (lọc máu) để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng điện giải do suy thận hoặc tổn thương thận nghiêm trọng.

