Ý nghĩa chỉ số Hematocrit (HCT) và những điều cần biết

1. HCT (hematocrit) là gì?
HCT hay Hematocrit là chỉ số phản ánh tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong thể tích máu toàn phần. Hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy từ phổi đến các cơ quan và ngược lại chúng vận chuyển carbon dioxit từ các cơ quan về phổi để trao đổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy mức HCT thấp hoặc cao có thể là dấu hiệu của các rối loạn máu hoặc các bệnh lý khác.
2. Mức HCT (hematocrit) bình thường
HCT sẽ khác nhau phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi, mức bình thường trong giới hạn là:
- Nam giới: 41% đến 50%
- Nữ giới: 36% đến 44%
- Trẻ em: 32% đến 42%
- Trẻ sơ sinh: 45% đến 61%
3. Ý nghĩa của chỉ số HCT (hematocrit)
Chỉ số HCT cao
Mức HCT cao có thể là dấu hiệu của một số tình trạng, bao gồm bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Một số tình trạng có thể gây ra mức hematocrit cao bao gồm:
- Bệnh tim: nồng độ hematocrit cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Mất nước: mất nước làm giảm toàn bộ lượng nước trong cơ thể, bao gồm cả huyết tương trong máu. Nồng độ huyết tương thấp hơn làm tăng tỷ lệ hồng cầu so với thể tích máu, đo đó làm tăng hematocrit
- Sẹo hoặc dày phổi: Sẹo ở phổi khiến các tế bào hồng cầu khó vận chuyển oxy đi khắp cơ thể
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và mức hematocrit cao.
- Hút thuốc: Hút thuốc làm thận sản xuất ra nhiều erytrhopoietin hơn, dẫn tới sản xuất nhiều hồng cầu hơn, làm tăng hematocrit
- Ngộ độc khí carbon monoxide (CO): Khí CO làm giảm lượng huyết tương và tăng số lượng hồng cầu, dẫn tới tăng hematocrit
- Sử dụng testosterone: Các nghiên cứu chỉ ra sử dụng testosterone làm tăng số lượng hồng cầu, do đó cũng làm tăng hematocrit
Chỉ số HCT thấp
Thiếu máu nghi ngờ là lý do phổ biến nhất để xét nghiệm Hematocrit. Các tình trạng khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới giảm chỉ số này bao gồm:
- Mất máu do chấn thương hoặc bệnh tật: mất máu làm giảm số lượng hồng cầu, do đó cũng làm giảm hematocrit
- Bệnh bạch cầu: các tế bào bạch cầu sẽ thay thể các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, do đó cơ thể sẽ bị ít hồng cầu hơn bình thường trong bệnh bạch cầu.
- Thiếu máu tan máu: Các tế bào hồng cầu bị phá hủy hoặc chết nhanh hơn tốc độ thay thế chúng
- Hạ natri máu: Hạ natri máu khi cơ thể quá nhiều nước, khiến máu loãng hơn
- Bệnh thận: biến chứng của bệnh thận thường là thiếu máu, nồng độ hematocrit thấp là một trong các dấu hiệu của bệnh thiếu máu.

4. Cách tăng chỉ số HCT (hematocrit) trong máu
Trong một số trường hợp, lượng HCT trong máu thấp là do bị thiếu sắt. Vì vậy, một chế độ ăn cung cấp nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt, cá, gia cầm, đậu phụ các loại rau lá xanh, ngũ cốc, trứng,...sẽ ngăn ngừa được thiếu máu do thiếu sắt. Lưu ý nên bổ sung cùng với Vitamin C để hấp thụ sắt tốt hơn. Tránh dùng chung với canxi, trà, cà phê làm giảm hấp thu sắt.
Ngoài ra, tập luyện thể dục thể thao, lối sống lành mạnh cũng là cách để ngăn ngừa tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật. Cần tránh một số thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các chất kích thích, đồ ăn ngọt,...để không bị rối loạn chức năng tạo máu của cơ thể

