Hen suyễn: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Mục lục
1. Hen suyễn là bệnh gì?
Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh hô hấp mạn tính của phổi, khiến đường thở bị viêm và hẹp lại dẫn đến khó thở. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Bệnh thường tái phát thành từng cơn, đặc biệt là khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích.
2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh hen suyễn
Triệu chứng của hen suyễn
Hen suyễn được đánh dấu bằng tình trạng viêm của các ống phế quản, với các chất nhầy dính bên trong lòng ống. Người bị hen suyễn có các triệu chứng khi đường thở bị thắt chặt, viêm và chứa đầy chất nhầy. Ba dấu hiệu chính của bệnh hen suyễn:
- Tắc nghẽn đường thở: khi bạn thở bình thường, các dải cơ xung quanh đường thở được thư giãn và không khí di chuyển tự do. Khi bị hen suyễn, các cơ này co thắt lại, đường thở hẹp hơn và không khí khó lưu thông bình thường.
- Viêm: hen suyễn gây ra tình trạng sưng đỏ các ống phế quản trong phổi. Tình trạng này có thể gây tổn thương và làm rối loạn chức năng trao đổi khí của phổi.
- Tăng sản xuất chất nhầy: trong cơn hen, ống phế quản tiết ra nhiều chất nhầy hơn làm tắc nghẽn đường thở.

Các vấn đề này có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm hoặc buổi sáng
- Thở khò khè, tiếng rít khi thở
- Hụt hơi
- Cảm giác tức ngực, đau căng tức ở ngực
- Khó ngủ vì vấn đề hô hấp
Các triệu chứng của hen suyễn có thể xảy ở mức độ nhẹ đến nặng và có thể thay đổi theo cơn. Các cơn hen suyễn nhẹ thường phổ biến hơn, thông thường đường thở mở ra trong khoảng vài phút đến vài giờ. Các cơn hen suyễn nặng ít phổ biến hơn nhưng kéo dài và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Cần nhận biết các dấu hiệu hen suyễn và điều trị sớm kể cả các triệu chứng hen suyễn nhẹ để ngăn ngừa tình trạng có thể xấu đi.
Hãy liên hệ tới cơ sở y tế ngay nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như:
- Thở nhanh, thở gấp
- Mặt, môi, móng tay nhợt nhạt hoặc xanh xao
- Da xung quanh xương sườn kéo vào trong khi hít vào
- Khó thở, khó đi lại hoặc khó nói chuyện
- Sử dụng thuốc nhưng các triệu chứng không đáp ứng
Các biến chứng của hen suyễn
Khi không được kiểm soát, bệnh hen suyễn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như:
- Khí phế thủng, tâm phế mạn tính
- Các ống phế quản trong phổi bị xẹp vĩnh viễn dẫn tới xẹp phôi
- Biến dạng lồng ngực hoặc suy hô hấp mạn tính
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng hoặc trầm cảm
- Biến chứng của điều trị: dùng corticoid kéo dài cho thể hây hội chứng cushing

3. Nguyên nhân và tác nhân gây hen suyễn
Các nhà nghiên cứu chưa thể tìm ra được nguyên nhân gây ra tình trạng hen suyễn.Tuy nhiên, họ nhận thấy có nhiều tác nhân gây ra các triệu chứng hoặc làm cho tình trạng hen suyễn trầm trọng hơn. Các tác nhân bao gồm:
- Nhiễm trùng như viêm xoang, cảm lạnh và cúm
- Các chất gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông vật nuôi, mạt bụi
- Các chất gây kích ứng như mùi từ nước hoa hoặc dung dịch tẩy rửa
- Ô nhiễm không khí hoặc thay đổi thời tiết
- Khói thuốc lá
- Tập thể dục
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
- Những rối loạn tâm lý như lo lắng, cười, buồn, căng thẳng.
Các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc bệnh hơn bao gồm:
- Dị ứng: bị dị ứng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
- Di truyền: nếu gia đình có người mắc hen suyễn, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn
- Nhiễm trùng đường hô hấp: nhiễm trùng có thể gây viêm ống phế quản, tổn thương phổi, làm tăng khả năng khởi phát các cơn hen suyễn.
- Yếu tố môi trường: tiếp xúc nhiều với khói bụi, độc tố, khói thuốc lá và các tác nhân dị ứng gây viêm đường hô hấp và tăng nguy cơ bị hen suyễn.
- Người thừa cân béo phì.
4. Phương pháp điều trị hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính không thể điều trị dứt điểm. Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa các đợt cấp tính và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Sự tuân thủ điều trị từ phía bệnh nhân có vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Điều trị bao gồm:
- Thuốc: với người lớn, trẻ lớn mắc viêm phế quản, cần điều trị bằng thuốc kiểm soát hen có corticoid đường phun hít, thường kết hợp thuốc kích thích beta giao cảm kéo dài làm giảm các đợt cấp nặng. Người bệnh nên chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn hen, phòng ngừa lên cơn hen đột ngột mà không kịp xử trí.
- Tránh các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là những tác nhân đã biết có thể làm tồi tệ hơn tình trạng đang mắc phải.
- Trang bị các kiến thức về hen suyễn, các dấu hiệu của bệnh và cách sử dụng thuốc điều trị
- Tuân thủ phác đồ điều trị và đi khám định kỳ.

5. Phòng ngừa bệnh hen suyễn
Hen suyễn có thể tiến triển nặng hơn và gây ra những biến chứng nặng nề nếu bệnh nhân không điều trị hoặc việc điều trị không có hiệu quả. Một số biện pháp có thể phối hợp với điều trị để bệnh nhân có thể “sống chung” với nó hiệu quả:
- Cai thuốc lá: khuyến khích người bệnh ngừng thuốc lá và tránh tiếp xúc với thuốc lá qua “ hút thuốc thụ động”
- Rèn luyện thể lực và duy trì cân nặng hợp lý: tăng cường hoạt động thể chất để tăng cường đề kháng, cải thiện thông khí phổi.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: một số thuốc như thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta có thể khiến bệnh hen nặng lên. Hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng hiện tại và các thuốc đang dùng để được tư vấn phù hợp.
- Chế độ ăn uống phù hợp: sử dụng các thực phẩm tươi, sạch, tránh các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng.
- Chú ý về các tác nhân gây bệnh trước đó, có thể là lông thú cưng, khói, bụi,...để hạn chế tiếp xúc
- Điều tiết cảm xúc: một số trường hợp như cười to, khóc, giận dữ hoặc sợ hãi không kiểm soát có thể khởi phát một cơn hen suyễn cấp. Tập hít thở và thư giãn có thể giúp giảm nguy cơ trong trường hợp này.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh: nhiễm trùng có thể làm tổn thương phổi và khởi phát các cơn hen, tiêm vắc- xin phòng cúm mỗi năm một lần và tiêm vắc- xin phế cầu 5 năm một lần có thể giảm được nguy cơ này.

