Các dấu hiệu của mãn kinh và cách vượt qua để sống khỏe

1. Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là một giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ khi chu kỳ kinh nguyệt ngừng vĩnh viễn và người phụ nữ không thể tiếp tục sinh con. Mãn kinh không phải là một bệnh lý hay rối loạn, đó là một phần bình thường của quá trình lão hóa ở phụ nữ.
Giai đoạn chuyển tiếp trước khi mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh. Trong thời gian này, số lượng trứng trưởng thành trong buồng trứng của người phụ nữ giảm đi và quá trình rụng trứng trở nên không đều. Đồng thời, các hormon sinh sản như estrogen và progesterone cũng suy giảm, gây ra hầu hết các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Hầu hết phụ nữ bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh ở độ tuổi từ 45 đến 55 và quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm. Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, độ tuổi mãn kinh trung bình là 52 tuổi. Mãn kinh được chẩn đoán khi người phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tiếp.
Mãn kinh là một quá trình lão hóa tự nhiên của phụ nữ khi họ già đi. Tuy nhiên, mãn kinh cũng là kết quả của việc phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng. Sau quá trình phẫu thuật nếu không dùng hormon, kinh nguyệt sẽ chấm dứt và người phụ nữ có thể gặp các triệu chứng mãn kinh ngay lập tức.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh
Các dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh có thể khác khau ở những người phụ nữ. Có người chỉ có các triệu chứng nhẹ có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, nhưng cũng có những người có những triệu chứng nghiêm trọng hơn và kéo dài nhiều năm. Những triệu chứng thường gặp nhất ở phụ nữ thời kỳ này là:
Bốc hỏa
Bốc hỏa hay rối loạn vận mạch là triệu chứng phổ biến nhất của thời kỳ mãn kinh. Khoảng 75% phụ nữ có những cơn bốc hỏa đột ngột, ngắn ngủi, theo chu kỳ. Những cơn bốc hỏa có thể liên quan trực tiếp đến việc suy giảm nồng độ estrogen.
Ngoài việc tăng nhiệt độ da, bốc hỏa có thể khiến nhịp tim của phụ nữ tăng lên. Điều này gây ra tình trạng đổ mồ hôi đột ngột khi cơ thể đang cố gắng giảm nhiệt độ. Triệu chứng này cũng có thể đi kèm với hồi hộp và chóng mặt.
Teo âm đạo và mất kiểm soát bàng quang
Teo âm đạo là tình trạng khô và mỏng của các mô của âm đạo và niệu đạo. Điều này có thể dẫn đến đau khi quan hệ tình dục, cũng như viêm âm đạo, viêm bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ gặp vấn đề về bàng quang như chứng tiểu không tự chủ. Họ có thể bị rò rỉ nước tiểu khi tập thể dục, hắt hơi hoặc cười to. Bàng quang dễ bị kích thích hơn dẫn đến tình trạng muốn đi tiểu gấp và đi tiểu thường xuyên hơn.
Thay đổi tâm trạng
Phụ nữ ở thời kỳ này dễ bị rơi vào cảm xúc buồn bã hoặc cáu kỉnh hơn. Họ có thể thấy thiếu hứng thú, kể cả sinh hoạt tình dục và cảm giác “ tôi không cảm thấy giống chính mình”.
Các triệu chứng vận mạch và rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến thay đổi tâm trạng. Đổ mồ hôi đêm nghiêm trọng gây gián đoạn giấc ngủ, kéo dài có thể gây hiện tượng sương mù não. Các triệu chứng sương mù não bao gồm mất tập trung, lú lẫn, hay quên, cảm giác đau khổ đặc biệt khi hiệu suất công việc kém.
Thay đổi trên cơ thể
Do sự sụt giảm của hormon estrogen, sự phân bố cơ và mỡ trong cơ thể cũng thay đổi. Khối lượng cơ giảm đi và lượng mỡ tăng lên, chủ yếu tích tụ ở vòng eo. Da trở nên mỏng và khô hơn, giảm độ đàn hồi và xuất hiện các dấu hiệu lão hóa. Phụ nữ giai đoạn này bắt đầu có những cơn đau nhức xương khớp, cơ yếu và dễ bị mệt mỏi. Tóc rụng nhiều và mỏng dần đi, một số người còn mọc nhiều lông trên mặt.

3. Cần làm gì để sống khỏe ở tuổi mãn kinh?
Các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh có thể gây cho phụ nữ sự khó chịu và các vấn đề về sức khỏe. Không có cách nào để ngăn chặn được quá trình mãn kinh, vì đó là một quá trình tự nhiên. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa hoặc kiểm soát các tình trạng đang diễn ra.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể dựa vào mức độ của các triệu chứng và tình trạng của từng bệnh nhân để chỉ định thuốc phù hợp. Các liệu pháp điều trị có thể bao gồm:
- Liệu pháp hormon: sử dụng estrogen có hiệu quả trong việc làm dịu cơn bốc hỏa mãn kinh và các triệu chứng khác. Liệu pháp này cũng làm chậm quá trình mất xương do hậu quả của việc suy giảm hormon. Tuy nhiên việc sử dụng hormon thời gian dài có thể gây ra một số nguy cơ trên tim mạch và ung thư vú. Vì vậy, việc sử dụng cần được bác sĩ theo dõi, đánh giá, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà chưa có chỉ định.
- Estrogen âm đạo dạng bôi, dạng thuốc đặt hay vòng có thể làm giảm tình trạng khô rát âm đạo, giúp việc giao hợp được thuận lợi hơn.
- Thuốc điều trị trầm cảm liều thấp có thể làm giảm các triệu chứng bốc hỏa và các rối loạn về tâm trạng.
- Thuốc điều trị tình trạng bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ như oxybutynin.
- Thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng loãng xương.
Điều trị không dùng thuốc
Thường mất khoảng hai đến tám năm để các triệu chứng của mãn kinh biến mất. Một số biện pháp không dùng thuốc có thể giúp ích để giảm các triệu chứng khó chịu như:
Làm mát cơn bốc hỏa
Mặc nhiều lớp quần áo, chất vải thoáng khí như cotton. Giảm nhiệt độ phòng và sử dụng quạt tay hoặc quạt phòng. Có thể sử dụng túi chườm lạnh khi cơn bốc hỏa đến đột ngột và gây ra triệu chứng dữ dội.
Lưu ý tránh các tác nhân gây bệnh như caffein, rượu và đồ ăn cay sẽ hạn chế được tần suất bị bốc hỏa.
Giảm đau âm đạo
Tránh các loại dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh có thể gây khô, đồng thời sử dụng những chất bôi trơn âm đạo gốc nước hoặc chất dưỡng ẩm gốc silicon. Những sản phẩm này an toàn và không cần sự kê đơn của bác sĩ.
Ngủ đủ giấc
Tránh xa caffein và các chất kích thích, kể cả vào ban ngày. Tập thể dục có thể khiến cơ thể dễ chịu và khoan khoái hơn, giúp lưu thông tuần hoàn máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ngủ đủ giấc làm cho tâm trạng tốt hơn, giảm căng thẳng khó chịu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp.
Tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu
Các bài tập cơ sàn chậu có thể giúp ích cho tình trạng tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ.
Chế độ ăn uống cân bằng
Hạn chế những chất béo bão hòa, chế độ ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Tăng cường nhiều loại trái cây và rau xanh cùng các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Kiểm soát cân nặng
Giảm cân và duy trì cân nặng có thể làm dịu cơn bốc hỏa. Ngoài ra, béo phì cũng làm gia tăng nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,...và gây gánh nặng lên xương khớp cho phụ nữ tuổi mãn kinh.
Không hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột qụy, loãng xương, ung thư và các vấn đề khác. Tránh xa thuốc lá và các chất kích thích khác có thể giúp phụ nữ tuổi mãn kinh sống khỏe mạnh hơn và làm chậm quá trình lão hóa.

