Đột quỵ não: triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ ( stroke) hay tai biến mạch máu não, là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến các tế bào não bắt đầu chết trong vài phút. Do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Các loại đột quỵ
Các loại đột quỵ được phân thành các nhóm:
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ:
Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn chưa rõ nguyên nhân. May mắn là các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Nhiều cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ xuất phát từ sự tích tụ của mảng bám trong động mạch . Nếu cục máu đông hình thành trong động mạch não, nó được gọi là đột quỵ huyết khối, còn khi hình thành ở một vị trí khác trong cơ thể và di chuyển đến não có thể gây ra đột quỵ do thuyên tắc.
Đột quỵ do xuất huyết:
Đột quỵ gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Có khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua ( TIA):
Thường là đột quỵ nhỏ, thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, nên cần được thăm khám và đánh giá sớm.

3. Triệu chứng của đột quỵ
Đột quỵ có thể gây ra các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Mất ngôn ngữ (khó nói hoặc mất khả năng nói hoàn toàn)
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
- Bối rối hoặc bị kích động
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Đau đầu đột ngột và dữ dội
- Mất kiểm soát cơ ở một bên khuôn mặt
- Mất khả năng phối hợp hoặc vụng về
- Mất trí nhớ
- Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách đột ngột
- Buồn nôn và nôn
- Ngất xỉu
- Động kinh
- Đột nhiên suy giảm hoặc mất các giác quan ( bao gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác).
Các tế bào não sẽ bị chết nếu không nhận được oxy từ máu tươi trong thời gian quá dài. Nếu đủ số lượng tế bào não trong một khu vực bị chết, tổn thương sẽ trở thành vĩnh viễn.
Việc phục hồi lưu lượng máu bình thường có thể ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó. Đó là lý do vì sao thời gian rất quan trọng trong việc điều trị đột quỵ.

4. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Đột quỵ có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở bản thân hoặc người thân, hãy nhớ từ viết tắt BE FAST:
- B( Balance): Sự mất cân bằng đột ngột
- E (Eyes): mất thị lực đột ngột hoặc những thay đổi ở một hoặc cả hai mắt.
- F (Face): Dấu hiệu dễ nhìn thấy là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể rõ hơn.
- A (Arm): tay bị liệt, cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép.
- S (Speech): rõ nhất là họ có nói lắp, á khẩu hoặc gặp khó khăn khi chọn từ ngữ phù hợp.
- T(Time): thời gian rất quan trọng. Đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu nếu có những triệu chứng trên. Ghi lại thời gian xuất hiện triệu chứng và trao đổi với bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp nhất.
5. Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng đột quỵ là do thiếu máu cục bộ ( tắc nghẽn mạch máu) hoặc do xuất huyết ( mạch máu bị vỡ).
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Người bị các bệnh lý tim mạch như hở van tim, rung tâm nhĩ, suy tim,…
- Người bị tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ.
- Người hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Khói thuốc lá làm tổn thương mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và tăng huyết áp.
- Người có rối loạn lipid máu: rối loạn mỡ máu đặc biệt là thừa cholesterol dẫn đến sự tích tụ trên thành động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch và tắc mạch.
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh tim.
- Người có lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì
- Người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormon, thay đổi nội tiết cũng làm tăng nguy cơ huyết khối và đột quỵ.
- Chế độ ăn uống có hàm lượng chất béo và dầu mỡ cao, ít rau xanh

6. Biến chứng của đột quỵ
Việc phục hồi sau đột quỵ là khác nhau, một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng.Thường phải mất ít nhất 30 ngày để người bị đột quỵ có thể phục hồi chức năng. Thậm chí có những trường hợp biến chứng có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Mức độ ảnh hưởng của cơn đột quỵ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ, và người đó được điều trị nhanh như thế nào. Một số biến chứng họ có thể gặp hậu đột quỵ bao gồm:
- Biến chứng về vận động: thường là liệt hoặc yếu một bên cơ thể, mất thăng bằng, khó đi lại, co cứng cơ và khó kiểm soát
- Biến chứng về nhận thức và giao tiếp: suy giảm trí nhớ, lú lẫn, khó nói, nói ngọng, không hiểu lời nói và chứng khó nuốt
- Biến chứng về tâm lý: dễ cáu gắt, mất kiểm soát cảm xúc, hay lo âu, bồn chồn, trầm cảm.
- Biến chứng khác như loét do tỳ đè ở những người nằm lâu không vận động, rối loạn tiểu tiện như tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu.
7. Cách phòng ngừa đột quỵ
Nhiều cơn đột quỵ có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh và phối hợp với các phương pháp chăm sóc sức khỏe như:
- Chọn thực phẩm và đồ uống lành mạnh: ăn thực phấm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có thể ngăn ngừa cholesterol cao. Hạn chế muối trong chế độ ăn uống có thể làm giảm huyết áp. Cholesterol và huyết áp cao làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh vì thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ
- Tập thể dục thường xuyên: duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày và từ 3-4 ngày mỗi tuần để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh lý khác.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ đặc biệt là lượng cholesterol và huyết áp, tim mạch, tiểu đường,…
- Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc và chú ý đến chất lượng giấc ngủ.
- Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột. Không tắm khuya để tránh nguy cơ bị đột quỵ.

Nguồn tham khảo
- https://www.cdc.gov/stroke/prevention/index.html
- https://www.caregiver.org/vi/resource/dot-quy-stroke/
