Rối loạn cương dương: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

1. Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương ( ED) là tình trạng dương vật khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng đủ để quan hệ tình dục.
Sự cương cứng xảy ra trong quá trình kích thích tình dục, các dây thần kinh giải phóng các chất hóa học làm tăng lưu lượng máu đến các khoang cương cứng trong dương vật. Áp suất máu trong các khoang làm cho dương vật bị cứng lại. Đây là một quá trình phức tạp,có sự tham gia của hệ thống thần kinh, nội tiết, mạch máu, cấu trúc dương vật,..Do đó, bất cứ yếu tố nào cản trở dòng máu đến thể hang để cho dương vật cương cứng, đều gây ra rối loạn cương dương.
2. Triệu chứng
Người bị rối loạn cương dương sẽ có các dấu hiệu như:
- Hoàn toàn không có khả năng cương cứng: dương vật mềm nhũn, không thể giao hợp với bạn đời
- Chỉ đôi khi mới có thể cương cứng trước khi giao hợp, hoặc cương cứng không theo ý muốn
- Có khả năng cương cứng trước khi giao hợp nhưng không thể duy trì trạng thái cương cứng trong khi quan hệ
- Cần rất nhiều kích thích để duy trì sự cương cứng.

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương
Sự kích thích tình dục ở nam giới là một quá trình phức tạp liên quan đến não, hormon, cảm xúc, thần kinh, cơ và mạch máu. Rối loạn cương dương có thể là kết quả của bất kỳ vấn đề nào của các yếu tố này.
Ngoài ra, căng thẳng hoặc các vấn đề về tâm lý cũng có ảnh hưởng đáng kể trong các trường hợp rối loạn cương dương. Người bệnh có thể bị trầm cảm, lo âu, căng thẳng trong đời sống cá nhân, cảm giác sợ hãi không muốn quan hệ tình dục,...
Nguyên nhân thực thể gây rối loạn cương dương
- Các bệnh ảnh hưởng dòng máu đến dương vật: tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch,…
- Bệnh lý làm giảm sự dẫn truyền thần kinh từ hệ thần kinh trung ương đến dương vật như: bệnh đa xơ cứng, Parkinson, bệnh lý tủy sống,.…
- Rối loạn nội tiết: giảm testosterone trong máu thời kỳ mãn dục nam, tăng prolactin do tuyến yên tiết ra, suy tuyến giáp,…
- Các biến chứng của phẫu thuật vùng chậu như điều trị ung thư, cắt tiền liệt tuyến, cắt bỏ bàng quang,…
- Các chấn thương : sọ não, tủy sống, xương chậu.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm,...
Nguyên nhân tâm lý gây rối loạn cương dương
- Trầm cảm, lo âu hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác
- Các vấn đề mối quan hệ do căng thẳng, giao tiếp kém hoặc các mối bận tâm khác.

Rối loạn cương dương có nguy cơ mắc cao hơn ở các đối tượng:
- Nam giới từ 40 tuổi trở lên
- Người thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể chất
- Người sử dụng chất kích thích lâu dài như rượu, ma túy, thuốc lá,…
- Người có các bệnh lý nền mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim,…
- Người bị chấn thương dương vật, đặc biệt có ảnh hưởng tới các dây thần kinh kiểm soát cương cứng.
- Người gặp vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
4. Điều trị rối loạn cương dương
Bước đầu tiên trong điều trị rối loạn cương dương là xác định được nguyên nhân gây bệnh. Một số phương pháp hiện nay đang được áp dụng như:
- Điều trị các bệnh lý nền ảnh hưởng đến khả năng tưới máu đến dương vật như tiểu đường, u tuyến yên, mãn dục nam, xơ hóa thể hang,…
- Phương pháp không xâm lấn như vòng đai co thắt hoặc thiết bị cương cứng hút chân không. Tuy nhiên phương pháp này có thể khiến dương vật bị bầm tím, lạnh đầu dương vật, thiếu tự nhiên. Có thể kết hợp phương pháp này với sử dụng thuốc.
- Điều trị bằng thuốc ức chế men phosphodiesterase 5 (PDE - 5) đường uống. Các thuốc này làm giãn cơ trơn, tăng lưu lượng máu đến dương vật, hiện có ba nhóm thuốc ức chế PDE-5 thường sử dụng là: sidenafil, vardenafil, tadalafil. Tuy nhiên các thuốc này có khả năng làm giãn mạch máu nên không phù hợp với những người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp đang dùng thuốc giãn mạch khác. Người dùng chỉ nên sử dụng khi có hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị bằng phẫu thuật: nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật thay hang vật nhân tạo. Bộ phận cấy ghép giả bao gồm các thanh silicone bán cứng và các thiết bị gồm nhiều thành phần có thể bơm phồng bằng nước muối. Cả hai mẫu này đều có nguy cơ chung của gây tê, nhiễm trùng và đào thải vật ghép.

5. Phòng ngừa rối loạn cương dương
Nam giới, đặc biệt đàn ông khi bước vào ngưỡng tuổi 40, cần xây dựng lối sống lành mạng nhằm ngăn ngừa nguy cơ rối loạn cương dương như:
- Ăn uống khoa học: nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và ngũ cốc, các thực phẩm giàu kẽm như thịt đỏ, hải sản,...Đồng thời hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và cholesterol,…
- Ngủ nghỉ đúng giờ: Thiếu ngủ không chỉ làm rối loạn các chức năng của cơ thể, mà còn gây hao tổn sinh lực ở nam giới. Theo các nghiên cứu, duy trì thời gian ngủ 6-8 tiếng mỗi ngày sẽ góp phần làm chậm suy giảm testosterone do mãn dục nam.
- Hạn chế rượu, bia: các thức uống có cồn gây rối loạn hoạt động tình dục, khiến đàn ông khó “lên đỉnh” hơn.
- Nói không với thuốc lá và các chất kích thích: thuốc lá và các chất kích thích có thể làm tổn thương mạch máu và giảm lưu lượng máu đến dương vật, gây khó khăn trong việc đạt và duy trì sự cương cứng. Một số nghiến cứu cho thấy khả năng cương dương phục hồi tốt hơn sau khi cai thuốc lá và các chất kích thích.
- Rèn luyện thể lực thường xuyên: tích cực vận động giúp kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng, tăng cường thể chất, giúp ngăn ngừa nguy cơ rối loạn cương dương.
- Duy trì trạng thái thoải mái: căng thẳng có thể gây rối loạn hoạt động tình dục hoặc làm trầm trọng thêm rối loạn cương dương. Giải tỏa căng thẳng bằng thực hành thiền, yoga hoặc các hoạt động yêu thích có thể làm giảm nguy cơ này.

Nguồn tham khảo
Tổng hợp
