Scorbut - Bệnh lý nghiêm trọng do thiếu hụt Vitamin C

1. Bệnh Scorbut (Scuvy)
Scorbut là một căn bệnh do thiếu hụt đáng kể Vitamin C trong chế độ ăn. Cơ thể con người cần vitamin C để tạo ra collagen kết nối cơ xương và cấu trúc da, chữa lành vết thương, tham gia hoạt động miễn dịch và hỗ trợ nhiều quá trình bên trong khác. Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại gốc tự do ngăn ngừa bệnh tật. Vì cơ thể không thể tự tạo ra Vitamin C nên chế độ ăn uống không đầy đủ có thể dẫn tới bệnh Scorbut.
2. Đối tượng nào dễ gặp Scorbut?
Bệnh có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai không hấp thụ đủ vitamin C trong chế độ ăn uống. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng này bao gồm:
- Chế độ ăn uống ít trái cây hoặc rau quả tươi
- Ăn ít hoặc có các rối loạn tiêu hóa
- Hút thuốc lá làm giảm lượng Vitamin C mà cơ thể hấp thụ từ thực phẩm
- Nghiện ma túy hoặc rượu ảnh hưởng đến chế độ ăn uống
- Ăn uống kém trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú
- Chế độ ăn kiêng hoặc dị ứng thực phẩm
- Các vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường type 1 và bệnh viêm ruột
3. Triệu chứng
Scorbut là một căn bệnh tiến triển, càng để lâu không điều trị, bạn sẽ càng có nhiều triệu chứng hơn. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Thiếu máu
- Nướu sưng, chảy máu, có thể chuyển sang màu tím và xốp
- Răng bị lung lay và có thể rụng
- Xuất huyết dưới da, có thể phát ban các đốm đỏ hoặc xanh trên da
- Da dễ bị bầm tím
- Da thô ráp, có vảy
- Chân bị sưng
- Vết thương đã lành bị mở ra và vết thương mới khó lành
- Tóc khô, giòn và xoăn lại

Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, các triệu chứng Scorbut có thể bao gồm:
- Cáu kỉnh
- Không có cảm giác thèm ăn
- Khó tăng cân
- Thiếu máu
- Sốt
4. Biến chứng
Nếu không được điều trị, bệnh Scorbut có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có khả năng tử vong. Các biến chứng có thể gặp là:
- Các vấn đề về não: triệu chứng giống đột quỵ, như nói ngọng, cơ thể yếu một bên, mất ý thức hoặc run, co giật
- Đau ngực nghiêm trọng hoặc khó thở
- Chảy máu não hoặc chảy máu trong bao màng ngoài tim
- Vàng da, thiếu máu nghiêm trọng
5. Điều trị và phòng ngừa bệnh Scorbut
Phương pháp điều trị bệnh Scorbut khá đơn giản. Bác sĩ có thể đề xuất bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như trái cây và rau tươi trong chế độ ăn, cũng như bổ sung Vitamin C. Các phương pháp điều trị ngay lập tức sẽ khiến nhiều triệu chứng của bệnh biến mất trong vòng 24-48 giờ. Có một số vấn đề như về răng và nướu có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để điều trị.
Những thực phẩm chứa nhiều Vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, ổi, dâu tây, cà chua, khoai tây, súp lơ xanh, ớt chuông. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin C dưới dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Lượng Vitamin C được khuyến nghị hằng ngày theo độ tuổi như sau:
- Trẻ em từ 0-6 tháng tuổi cần 25mg
- Trẻ em từ 6 tháng – 6 tuổi cần 30mg
- Trẻ em từ 7 – 9 tuổi cần 35mg
- Trẻ em từ 10 – 18 tuổi cần 65mg
- Người trưởng thành cần 70mg
- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 80 – 90mg
Bệnh Scorbut là vấn đề do thiếu hụt Vitamin C trầm trọng. Chế độ ăn uống bình thường hoặc ăn ít Vitamin C thường không đến mức bị Scorbut. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu của thiếu hụt Vitamin C, cần nhanh chóng bổ sung thông qua thực phẩm để phòng ngừa nguy cơ bị Scorbut.
Nguồn tham khảo
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24318-scurvy
