GLP-1: giải pháp cho bệnh tiểu đường type 2 và thừa cân béo phì

1. GLP-1 là gì?
GLP-1 (glucagon-like peptide-1) là một phần của hormon chuyển hóa - được gọi là hormon incretin - hormon giúp giảm lượng đường trong máu. Phần lớn GLP-1 được sản xuất bởi các tế bào L lót ruột non và ruột kết, một lượng nhỏ hơn được tiết ra bởi tuyến tụy và thần kinh trung ương.
Trong tuyến tụy, GLP-1 kích thích giải phóng insulin, tăng lượng tế bào tuyến tụy sản xuất insulin và giảm giải phóng glucagon - một loại hormon làm tăng lượng đường trong máu.
Việc giải phóng GLP-1 xảy ra từ 10-15 phút sau khi ăn. Mặc dù nó vẫn tồn tại trong hệ thống máu trong vài giờ, hoạt động thần kinh và các hormon khác có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và nồng độ GLP-1.
GLP-1 cũng báo hiệu các trung tâm thèm ăn trong não, tăng cảm giác no trong và giữa các bữa ăn bằng cách làm chậm tốc độ rỗng của dạ dày.
Đáng chú ý là GLP-1 phụ thuộc vào glucose, nghĩa là nó làm giảm lượng glucose trong máu sau khi một người ăn, chứ nó không tự làm giảm lượng glucose. Trong các nghiên cứu lâm sàng, GLP-1 được tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân đang nhịn ăn đã không làm giảm lượng đường trong máu so với bệnh nhân ăn một bữa ăn.
Việc không có khả năng gây hạ đường huyết, hoặc lượng đường trong máu thấp, cùng với tác dụng đối với bệnh tiểu đường type 2 và béo phì, dẫn đến sự phát triển của chất chủ vận thụ thể GLP-1.
2. Chất chủ vận thụ thể GLP-1
Chất chủ vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1 receptor agonist hay GLP-1 RA) là hợp chất mô phỏng tác dụng của GLP-1 tự nhiên, nhưng có thời gian tác dụng lâu hơn, giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Chất này hoạt động với cơ chế tương tự như hormon GLP-1:
- Gắn vào thụ thể GLP-1 trên tuyến tụy, kích thích tiết insulin khi đường huyết tăng
- Ức chế glucagon ( hormon làm tăng đường huyết)
- Làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, giúp kéo dài cảm giác no
- Ảnh hưởng lên não, giúp giảm cảm giác thèm ăn.
Có nhiều loại GLP-1 RA khác nhau, trong đó có nhiều loại đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng. Sự khác biệt giữa các loại này bao gồm cách sử dụng (đường tiêm hoặc uống), tần suất dùng và ứng dụng trong tình trạng bệnh nào ( tiểu đường tyoe 2 hoặc béo phì).
Thuốc GLP-1 RA tác dụng ngắn được dùng hằng ngày bao gồm:
Exenatide: tiêm hai lần mỗi ngày
Thuốc Liraglutide
- Victoza ( dành cho bệnh tiểu đường type 2); tiêm một lần mỗi ngày
- Saxenda ( liều cao hơn cho bệnh béo phì): tiêm một lần mỗi ngày
Semaglutide(Rybelsus): viên nén uống một lần mỗi ngày.
Thuốc GLP-1 RA tác dụng kéo dài được dùng một lần mỗi tuần bao gồm:
Dulaglutide (Trulicity)
Exenatide giải phóng kéo dài ( Bydureon)
Semaglutide
Ozempic: cho bệnh tiểu đường type 2
Wegovy: liều cao hơn cho bệnh béo phì
Tirzepatide
Mounjaro: cho bệnh tiểu đường type 2
Zepbound: liều cao hơn cho bệnh béo phì
3. Tác dụng phụ của các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chủ vận GLP-1 bao gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Tình trạng chóng mặt, nhịp tim nhanh nhẹ, nhiễm trùng, đau đầu và khó tiêu cũng có thể xảy ra. Ngứa và ban đỏ tại chỗ tiêm cũng phổ biến, đặc biệt là các loại thuốc tác dụng kéo dài trong nhóm này.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp bao gồm:
- Viêm tụy: đau bụng dữ dội, có thể lan ra sau lưng
- Sỏi mật: có thể gây đau bụng, vàng da
- Giảm đường huyết: thường xảy ra nếu dùng chung với insulin hoặc thuốc hạ đường huyết khác.
Chống chỉ định sử dụng các thuốc chủ vận GLP-1 cho các trường hợp mẫn cảm với thuốc và phụ nữ mang thai. Bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng như liệt dạ dày và bệnh viêm ruột cũng nên dùng các chất tương tự như GLP-1.
Nguồn tham khảo
- https://www.pccarx.com/Blog/glp-1-the-naturally-produced-hormone
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551568/
