Tuyến giáp: các bệnh lý thường gặp, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Tuyến giáp, một tuyến nhỏ nằm ở cổ có nhiều vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng của cơ thể thông qua việc sản xuất hormon. Tuy nhiên, tuyến giáp cũng dễ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phòng ngừa bệnh tuyến giáp hiệu quả.
1. Chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp nằm phía trước cổ, bên dưới thanh quản và bên trên khí quản. Hình dạng của tuyến giáp giống như hình con bướm, với 2 thùy quấn trái và phải, được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.
Tuyến giáp tạo và tiết ra 4 hormon quan trọng
- Thyroxine (T4): Hormon chính được tuyến giáp tạo ra và giải phóng vào máu. T4 có thể chuyển thành T3 thông qua quá trình khử iod.
- Triiodothyronine (T3): Tuyến giáp sản xuất lượng T3 ít hơn so với T4, nhưng T3 ảnh hưởng nhiều hơn đến quá trình trao đổi chất.
- Triiodothyronine đảo ngược (RT3): làm đảo ngược tác dụng T3, tuy nhiên tuyến giáp tạo ra một lượng rất nhỏ RT3.
- Calcitonin: Hormon giúp điều chỉnh lượng canxi trong máu.

Tuyến giáp có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể:
Điều hòa quá trình trao đổi chất và năng lượng
Hormon tuyến giáp ( T3 và T4) giúp kiểm soát hoạt động chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng, duy trì mức ổn định cho cơ thể. Nếu tuyến giáp hoạt động kém ( suy giáp), sự trao đổi chất chậm lại, gây tăng cân, mệt mỏi. Nếu hoạt động quá mức (cường giáp), sự trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, dẫn đến sụt cân, tim đập nhanh.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Hormon tuyến giáp giúp điều hòa nhịp tim, huyết áp. Bệnh cường giáp có thể khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp. Bệnh suy giáp làm tim đập chậm, gây mệt mỏi, lạnh tay chân.
Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Tuyến giáp giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Khi hormon tuyến giáp giảm, cơ thể dễ bị lạnh. Ngược lại khi tăng cao, cơ thể dễ bị nóng và đổ mồ hôi nhiều.
Hỗ trợ sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh
Hormon tuyến giáp tác động lên sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là não bộ. Nếu suy giáp xảy ra từ thời kỳ bào thai hoặc những năm đầu sau sinh, trẻ có thể bị teo não, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.
Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Hormon tuyến giáp giúp kiểm soát nhu động ruột. Nhờ sự co bóp nhịp nhàng của ống tiêu hóa, thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa và được hấp thụ một cách dễ dàng. Khi tuyến giáp hoạt động không bình thường, có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.
Tác động lên hệ sinh sản
Hormon tuyến giáp giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái ổn định chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Ở nữ giới, thiếu hormon tuyến giáp có thể gây rong kinh, đa kinh, trong khi thừa hormon tuyến giáp có thể gây thiếu kinh, vô kinh, giảm ham muốn. Ở nam giới, thiếu hormon này có thể gây giảm ham muốn, nhưng bài tiết quá nhiều có thể gây bất lực.
Tác động lên xương khớp
Hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương và giúp cơ thể đạt được khối lượng xương khi đến tuổi trưởng thành. Cường giáp hoặc suy giáp đều ảnh hưởng đến mật độ xương, làm thiếu xương, loãng xương.
2. Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp
Suy giáp
Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp.
Phụ nữ mắc bệnh rất khó mang thai, do quá trình rụng trứng bị rối loạn vì thiếu hormon. Nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển u nang buồng trứng. Nếu đang trong thời gian mang bầu thì người bệnh có thể bị sảy thai, thai lưu, bằng huyết sau sinh.
Cường giáp
Ngược lại với suy giáp, cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormon. Khi nồng độ hormon tuyến giáp lưu hành trong máu tăng cao sẽ tác động gây rối loạn chức năng của các cơ quan và tổ chức trong cơ thể.
Bệnh trong nhóm cường giáp thường gặp phải là Basedow. Đây là một căn bệnh tự miễn, với biểu hiện đặc trưng là tuyến giáp to lan tỏa, nhiễm độc hormon giáp, bệnh mắt, thâm nhiễm hốc mắt, đôi khi có thâm nhiễm da. Các biểu hiện khác của bệnh có thể gặp như: tăng thân nhiệt, giảm cân, khó ngủ, da nóng, ẩm, tăng tiết mồ hôi, sợ nóng, run, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, dễ cáu gắt,...Nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Bướu giáp đơn
Bướu giáp đơn thuần không độc, được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhất là vào giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tuổi mãn kinh.
Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, đa số không cần điều trị. Tuy nhiên cần phải sinh thiết xét nghiệm tế bào để loại trừ ung thư biểu mô.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do thiếu iod, do tác dụng của các chất làm phì đại tuyến giáp như thiocyanat, acid para-amino-salicylic, muối lithium, cobalt, thuốc kháng giáp tổng hợp,...
Viêm tuyến giáp
Bệnh viêm tuyến giáp
Bệnh viêm tuyến giáp có nhiều dạng khác nhau. Trong đó thường gặp nhất là viêm giáp Hashimoto - một bệnh miễn dịch, có sự phối hợp giữa miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên với ung thư tuyến giáp thì lại là bệnh có tiên lượng rất tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh có thể phát hiện sớm thông qua siêu âm tuyến giáp, khám sức khỏe định kỳ.
Một số triệu chứng lâm sàng của ung thư tuyến giáp:
- Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt với một số tính chất gợi ý: nhân to nhanh, mật độ cứng, không đau.
- Nổi hạch cổ: hạch lớn nhưng không đau, có thể xuất hiện đồng thời với một nhân giáp sờ thất mà trước đó không để ý, thường cùng ở một bên với nhân giáp.
3. Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp
Các nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh lý tuyến giáp bao gồm:
Thiếu i-od
Iod là thành phần chính của các hormon tuyến giáp. Thiếu iod sẽ làm giảm khả năng sản xuất hormon tuyến giáp, dẫn đến giãn tuyến giáp và đa u tuyến giáp. Điều này xảy ra khi cơ thể không đủ iod để sản xuất hormon tuyến giáp, làm cho tuyến giáp phải lớn hơn để cố gắng sản xuất đủ hormon.
Đa u tuyến giáp là một loại bệnh lý tuyến giáp mà các khối u xuất hiện trên tuyến giáp và có thể gây ra sự bất thường trong hoạt động của tuyến giáp.

Sinh hoạt không lành mạnh
Sinh hoạt không lành, bao gồm ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, thiếu chất dinh dưỡng, không tập thể dục đều đặn, hút thuốc và uống rượu có thể gây ra bệnh lý tuyến giáp bằng cách làm giảm hoạt động của tuyến giáp.
Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormon của tuyến giáp và gây ra các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như mệt mỏi, loạn nhịp tim và suy giảm năng lượng.
Rối loạn hệ miễn dịch
Thông thường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, vi-rút từ môi trường gây bệnh, nhưng đối với chứng viêm tuyến giáp này hệ thống miễn dịch lại sinh ra những kháng thể tấn công các cơ quan trong cơ thể trong đó có tuyến giáp.
Ví dụ, bệnh tuyến giáp Hashimoto là một bệnh lý tuyến giáp mà hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp, gây ra sự sụt giảm hoạt động của tuyến giáp và các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân và khô da.
Bệnh tuyến giáp Basedow là một bệnh lý tuyến giáp khác mà hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại hormon tuyến giáp, gây ra tăng sản xuất hormon tuyến giáp, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, loạn nhịp tim, giảm cân.
Thay đổi hormon
Những thay đổi về hormon có thể gây ra bệnh lý tuyến giáp. Các bệnh lý tuyến giáp như u nang cắt ngang tuyến giáp, viêm tuyến giáp và ung thư tuyến giáp đều có thể được gây ra bởi thay đổi hormon. Đặc biệt, phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh lý tuyến giáp do hormon trong cơ thể thay đổi.
Di truyền
Một số bệnh lý tuyến giáp có thể được di truyền từ thế hệ trước. Những người có người trong gia đình mắc các bệnh lý về tuyến giáp có nguy cơ mắc cao hơn.
4. Phòng ngừa bệnh tuyến giáp
Các biện pháp phòng ngừa tuyến giáp sẽ giúp cho bệnh nhân ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và kịp thời phát hiện sớm, điều trị, tăng cường sức khỏe. Các biện pháp bao gồm:
- Trong chế độ ăn uống, bổ sung các thực phẩm giàu iod và selen. Với những người sống ở các vùng đất thiếu iod, việc bổ sung iod qua thực phẩm hoặc thuốc bổ sung là rất cần thiết.
- Giảm thiểu các chất độc hại nạp vào cơ thể như thuốc lá, rượu, hóa chất công nghiệp và các chất gây ô nhiễm môi trường. Việc hạn chế sử dụng các chất độc hại này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp hoặc tiền sử bệnh lý tuyến giáp.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý và tránh stress giúp duy trì sức khỏe tốt và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp.

Nguồn tham khảo
Tổng hợp
