Thiếu máu: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

1. Thiếu máu là bệnh lý gì?
Thiếu máu (Anemia) là một bệnh lý rối loạn máu mà cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc hemoglobin để vận chuyển oxy đến các mô. Hemoglobin là một loại protein có trong các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu và gây ra mức độ nghiêm trọng khác nhau. Điều trị thiếu máu có thể bao gồm dùng thuốc bổ sung hoặc thực hiện các thủ thuật y tế. Một chế độ ăn uống lành mạnh, đẩy đủ dinh dưỡng có thể ngăn ngừa một số dạng thiếu máu.
2. Triệu chứng thiếu máu
Triệu chứng thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu. Thiếu máu thời gian đầu có thể nhẹ đến mức không gây ra triệu chứng nào cho đến khi tình trạng thiếu máu tồi tệ hơn, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn.
Các triệu chứng có thể có của bệnh thiếu máu bao gồm:
- Mệt mỏi
- Hụt hơi
- Da nhợt nhạt hoặc vàng, dễ nhìn thấy rõ hơn ở người da trắng so với da đen hoặc nâu.
- Nhịp tim không đều
- Chóng mặt, choáng váng
- Đau ngực
- Tay chân lạnh
- Đau đầu

3. Nguyên nhân
Thiếu máu xảy ra khi không có đủ hemoglobin hoặc hồng cầu, khi:
- Cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin hoặc hồng cầu
- Chảy máu khiến lượng hồng cầu và hemoglobin mất đi nhanh hơn tốc độ chúng có thể được thay thế.
- Cơ thể phá hủy các tế bào hồng cầu và hemoglobin có trong chúng.
Các nguyên nhân có thể gây ra thiếu máu bao gồm:
Thiếu máu do thiếu sắt
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, do người bệnh không có đủ lượng sắt trong cơ thể. Tủy xương cần sắt để tạo ra hemoglobin. Nếu không đủ sắt, cơ thể không thể tạo ra đủ hemoglobin cho các tế bào hồng cầu.
Phụ nữ mang thai có thể bị loại thiếu máu này nếu họ không bổ sung sắt. Mất máu do chảy máu kinh nguyệt nhiều, loét, ung thư hoặc sử dụng thường xuyên một số loại thuốc giảm đau, đặc biệt là aspirin, cũng có thể dẫn tới thiếu sắt.
Bên cạnh sắt, cơ thể cần folate và Vitamin B12 để tạo ra đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Chế độ ăn không có đủ những chất này và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể khiến cơ thể không tạo ra đủ tế bào hồng cầu.
Ngoài ra, một số người không thể hấp thụ Vitamin B12, dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu vitamin, được gọi là thiếu máu ác tính.
Thiếu máu do viêm
Các bệnh gây viêm liên tục có thể khiến cơ thể không thể sản xuất đủ tế bào hồng cầu như ung thư, HIV/AIDS, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận và bệnh Crohn.
Thiếu máu bất sản
Đây là một tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng và xảy ra khi cơ thể không tạo đủ tế bào máu mới. Nguyên nhân thiếu máu bất sản bao gồm nhiễm trùng, một số loại thuốc, bệnh tự miễn và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Thiếu máu liên quan đến bệnh tủy xương
Các bệnh như bạch cầu và bệnh xơ tủy có thể ảnh hưởng đến cách tủy xương tạo ra máu. Nguyên nhân phổ biến nhất là do hệ thống miễn dịch tấn công vào các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao do tủy xương không sản xuất đủ hồng cầu; dễ bị nhiễm trùng do giảm số lượng bạch cầu và chảy máu không kiểm soát được do giảm số lượng tiểu cầu.
Bệnh Thalassemia
Còn được gọi là tan máu bẩm sinh, có nguyên nhân do đột biến gen tổng hợp globin, một thành phần quan trọng tạo nên huyết sắc tố hemoglobin. Các đột biến liên quan đến bệnh Thalassemia có thể được truyền từ bố mẹ sang con cái.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào số lượng đột biến gen di truyền từ bố mẹ sang con cái. Càng nhiều gen đột biến, bệnh Thalassemia càng nghiêm trọng.
Thiếu máu tán huyết tự miễn (AIHA)
Đây là bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng hồng cầu bị phá hủy bởi các kháng thể tự miễn. Sự phá hủy hồng cầu xảy ra với tốc độ nhanh hơn khả năng sản xuất tế bào mới, dẫn đến không đủ số lượng hồng cầu trong máu và gây thiếu máu.
Nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết tự miễn vẫn chưa được xác định chính xác. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do rối loạn nguyên phát hoặc thứ phát sau một căn bệnh tiềm ẩn như virus Epstein-Bar, ung thư hạch, Lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng,…
Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm là một dạng bệnh máu ảnh hưởng đến hình dạng của các tế bào hồng cầu, làm hạn chế khả năng tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Các tế bào hồng cầu hình liềm có xu hướng kết dính lại với nhau, tạo thành cấu trúc cứng và di chuyển khó khăn qua các mạch máu, có thể gây nghẽn mạch máu.
Hồng cầu bình thường có thể sống tới 120 ngày. Tuy nhiên, tế bào hồng cầu hình liềm chỉ sống được khoảng 10 đến 20 ngày. Các tế bào này có thể bị lá lách phá hủy do hình dạng và độ cứng của chúng. Ngược lại, tế bào hồng cầu hình liềm cũng có thể làm tổn thương lá lách, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

3. Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ thiếu máu
- Chế độ ăn không đủ vitamin và khoáng chất : thiếu sắt, vitamin B12 và folate làm tăng nguy cơ thiếu máu.
- Các vấn đề về ruột non: mắc một tình trạng ảnh hưởng đến cách ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng làm tăng nguy cơ thiếu máu, ví dụ như bệnh Crohn và bệnh Celiac.
- Chu kỳ kinh nguyệt : nhìn chung, kinh nguyệt ra nhiều có thể gây mất tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
- Mang thai: phụ nữ mang thai có nhu cầu về máu và dinh dưỡng tăng lên để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Nếu không bổ sung vitamin tổng hợp có chứa acid folic và sắt sẽ có nguy cơ thiếu máu cao hơn.
- Bệnh lý mạn tính : những người bị ung thư, suy thận, tiểu đường hoặc một tình trạng bệnh lý mãn tính khác làm tăng nguy cơ thiếu máu. Nguyên nhân là do các bệnh mãn tính làm giảm sản xuất hồng cầu, rối loạn chuyển hóa sắt và giảm tuổi thọ của hồng cầu. Một số bệnh như loét dạ dày, ung thư đại tràng hoặc bệnh lý phụ khoa có thể gây chảy máu kéo dài, làm giảm lượng hồng cầu.
- Tiền sử gia đinh : nếu gia đình có người mắc một loại bệnh thiếu máu di truyền, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu di truyền, như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Các yếu tố khác : các bệnh lý về máu hoặc tự miễn làm tăng nguy cơ thiếu máu. Uống quá nhiều rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại và dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.

4. Biến chứng của thiếu máu
Nếu không được điều trị, bệnh thiếu máu có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như:
- Mệt mỏi, suy giảm sức khỏe trầm trọng: Thiếu máu nghiêm trọng khiến bệnh nhân không thể thực hiện được các công việc hằng ngày.
- Biến chứng khi mang thai: phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu folate làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi và sinh non.
- Các vấn đề về tim: thiếu máu có thể dẫn đến nhịp tim nhanh và không đều, rối loạn nhịp tim. Cơ thể thiếu máu khiến tim phải bơm nhiều máu hơn để bù đắp lượng oxy quá ít trong máu. Điều này có thể dẫn đến tim to hoặc suy tim.
- Tử vong: một số bệnh thiếu máu di truyền như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Mất máu nhiều nhanh chóng gây ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng và nguy cơ tử vong.
5. Phòng ngừa
Để chủ động phòng ngừa thiếu máu, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin, bao gồm:
- Sắt: thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt bò và các loại thịt khác, gan động vật, các loại đậu, rau lá xanh đậm và trái cây sấy khô.
- Acid folic: các thực phẩm giàu acid folic bao gồm rau lá xanh, bơ, chuối, trái cây họ cam quýt, đậu xanh, đậu nành,…
- Vitamin B12: thịt,trứng, nội tạng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là những thực phẩm rất dồi dào Vitamin B12
- Vitamin C: thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, ổi, ớt chuông, bông cải xanh, cà chua, dâu tây,...Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt, ngăn ngừa nguy cơ thiếu sắt.

Nguồn tham khảo
Mayo Clinic, Cleverland
