Đa xơ cứng: căn bệnh tấn công hệ thần kinh và điều cần biết

1. Đa xơ cứng là bệnh gì?
Bệnh đa xơ cứng ( multiple sclerosis - MS) là một rối loạn thần kinh mạn tính. Đây là một rối loạn tự miễn dịch, nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh. Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu ở người trưởng thành trẻ tuổi, trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Một số ít người mắc MS sẽ có các triệu chứng nhẹ với ít khuyết tật, trong khi những người khác sẽ gặp phải các triệu chứng nặng hơn dẫn đến khuyết tật tăng theo thời gian. Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các lựa chọn điều trị sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.
2. Nguyên nhân
Trong bệnh đa xơ cứng (MS), hệ thống miễn dịch tấn công myelin trong hệ thần kinh trung ương. Myelin là hỗn hợp protein và acid béo tạo nên lớp vỏ bảo vệ ( còn được gọi là bao myelin) bao phủ các sợi thần kinh (sợi trục). Myelin là thứ tạo nên chất trắng của não và giúp giao tiếp giữa các tế bào thần kinh.
Ngoài việc tổn thương cho bao myelin, MS còn gây tổn thương cho các thân tế bào thần kinh nằm trong chất xám của não và sợi trục thần kinh. Khi bệnh tiến triển, lớp vỏ não sẽ co lại, dẫn đến tình trạng teo não.
Nguyên nhân gây ra bệnh đa xơ cứng vẫn chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường hoặc nhiễm virus thời thơ ấu.

3. Những ai có nguy cơ cao mắc đa xơ cứng?
- Phụ nữ có nguy cơ mắc đa xơ cứng cao hơn nam giới từ 2-3 lần. Độ tuổi khởi phát bệnh thường xảy ra từ 20–40 tuổi.
- Nếu trong gia đình có người thân mắc MS, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn.
- Một số loại vi-rút đã được tìm thấy ở những người mắc MS, bao gồm cả Epstein-Barr. Epstein-Barr là loại vi-rút gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
- Những người có làn da trắng, đặc biệt là người gốc Bắc Âu, có nguy cơ mắc MS cao nhất. Những người gốc Á, Phi hoặc thổ dân châu Mỹ có nguy cơ thấp nhất.
- Những người có bệnh lý tự miễn có nguy cơ mắc MS cao hơn, bao gồm: tuyến giáp, thiếu máu ác tính, bệnh vảy nến, lupus, tiểu đường type 1 hoặc bệnh viêm ruột.
- Những người trong chế độ ăn thiếu Vitamin D hoặc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ rối loạn tự miễn cao hơn, từ đó làm tăng nguy cơ bị đa xơ cứng.
4. Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng
Các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng khác nhau tùy theo từng người. Các triệu chứng có thể thay đổi trong quá trình mắc bệnh tùy thuộc vào sợi thần kinh nào bị ảnh hưởng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Tê hoặc ngứa ran
- Cảm giác như điện giật xảy ra khi cử động cổ, đặc biệt là cúi cổ về phía trước.
- Gặp khó khăn khi đi lại hoặc không thể đi lại được
- Yếu cơ
- Mất thị lực một phần hoặc toàn bộ, thường chỉ xảy ra ở một mắt tại một thời điểm.
- Nhìn đôi
- Mờ mắt
- Chóng mặt, khó giữ thăng bằng
- Mệt mỏi
- Nói lắp bắp
- Gặp vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ và hiểu thông tin
- Rối loạn chức năng tình dục, ruột và bàng quang
- Thay đổi tâm trạng.
Các triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất sau đó. Các đợt tái phát kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng, theo sau là giai đoạn thuyên giảm bệnh có thể kéo dài vài tháng hoặc đến vài năm.

5. Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng
Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng dựa trên tiền sử sức khỏe, triệu chứng, thực hiện các bài kiểm tra và xét nghiệm cận lâm sàng.
Các bài kiểm tra thần kinh có thể bao gồm: ý thức, dây thần kinh sọ não, vận động, lực cơ, dáng đi, phối hợp động tác, phản xạ, hệ thần kinh tự chủ.
Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chấn đoán bệnh:
- Xét nghiệm máu
- Chọc dò dịch tủy não
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chẩn đoán đa xơ cứng khi có ít nhất hai khu vực của thần kinh trung ương bị hủy myelin và đã có ít nhất hai lần tái phát hoặc từng đợt gây tổn thương.
6. Điều trị bệnh đa xơ cứng
Hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh đa xơ cứng. Nhiều người chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và có xu hướng tự cải thiện thì không cần điều trị, nhất là hầu hết các loại thuốc dùng điều trị đa xơ cứng đều có tác dụng phụ.
Đối với các trường hợp bệnh nặng hơn, việc điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, điều trị các đợt tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp bao gồm:
Dùng thuốc
Một số thuốc được dùng lâu dài để điều trị đa xơ cứng nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn chặn sự phá hủy myelin. Loại thuốc được lựa chọn tùy theo giai đoạn bệnh cũng như khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể
Các thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do đa xơ cứng gây ra như thuốc giảm đau, giảm viêm, điều trị tạo bón, trầm cảm, cứng và co thắt cơ,...
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu như kéo căng, tăng cường sức mạnh cơ có thể cải thiện khả năng đi lại, giữ thăng bằng, duy trì tư thế, giảm đau và mệt mỏi. Một số người có thể cần đến các thiết bị hỗ trợ di chuyển như nẹp chân, gậy, khung tập đi, xe lăn.
Ngoài ra, tránh hoạt động quá sức và tránh nóng để ngăn ngừa bệnh trầm trọng thêm.

7. Sống chung với bệnh đa xơ cứng
Nguyên nhân gây ra đa xơ cứng vẫn chưa được xác định, vì vậy hiện không thể phòng ngừa hoặc chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân bị đa xơ cứng nên có thái độ tích cực và lối sống lành mạnh để cải thiện chất lượng cuộc sống. Các biện pháp có thể áp dụng như:
Chế độ ăn uống cân bằng
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, ít chất béo, giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Các thực phẩm tốt cho não bộ bao gồm:
- Thực phẩm giàu omega -3: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, hạt chia, hạt óc chó.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: việt quất, dâu tây, táo,…
- Thực phẩm giàu Vitamin B và choline: lòng đỏ trứng, các loại đậu và hạt.
Ngủ đủ giấc và chất lượng
Ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi ngày giúp hồi phục thần kinh và cải thiện tâm trạng. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử khi đã lên giường ngủ và không sử dụng chất kích thích trước khi ngủ.
Tập thể dục
Tập thể dục có nhiều lợi ích cho những trường hợp đa xơ cứng nhẹ và trung bình, giúp cải thiện sức mạnh, trương lực cơ, sự cân bằng và phối hợp hoạt động. Các bài tập được khuyến khích bao gồm đi bộ, kéo giãn, thể dục nhịp điệu tác động thấp, đạp xe, yoga, thái cực quyền,...Chú ý không nên để cơ thể quá nóng vì nhiệt độ cơ thể tăng sẽ làm triệu chứng bệnh trầm trọng hơn
Giảm căng thẳng
Thư giãn thần kinh bằng các hoạt động thể chất và tinh thần như mát-xa, yoga, thiền, hít thở sâu sẽ làm giảm triệu chứng bệnh tốt hơn. Điều này cũng hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn từ đó làm thần kinh hồi phục tốt hơn.
Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia
Lạm dụng thuốc lá, rượu bia thời gian dài có thể gây ra tổn thương thần kinh, tăng tốc độ phá hủy myelin, làm tăng các triệu chứng của bệnh.
Nguồn tham khảo
- https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/multiple-sclerosis
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/multiple-sclerosis/diagnosis-treatment/drc-20350274
