Lupus ban đỏ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

1. Lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô và cơ quan chính của cơ thể. Viêm do lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể khác nhau, bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.
Các thể của lupus ban đỏ bao gồm:
- Lupus toàn thân (lupus hệ thống): chiếm khoảng 70% các trường hợp lupus, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chính trong cơ thể.
- Lupus da: gây phát ban da, hồng ban dạng đĩa. Ban có thể nổi gồ lên bề mặt da, có vảy và thường không ngứa. Rụng tóc, thay đổi màu da cũng là những triệu chứng của lupus da.
- Lupus do thuốc: lupus xảy ra do dùng liều cao một số loại thuốc. Triệu chứng tương tự như lupus toàn thân, tuy nhiên triệu chứng thường biến mất trong vòng 6 tháng sau khi ngừng thuốc.
- Lupus sơ sinh: tình trạng hiếm gặp, trong đó các kháng thể của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi.
Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới nhiều lần, chiếm đến 90% các trường hợp, độ tuổi thường gặp nhất là từ 15-45 tuổi. Người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người châu Á và người Mỹ bản địa có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác.

2. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ
Hiện tại các nhà nghiên cứu chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường về miễn dịch trong lupus ban đỏ. Các nghiên cứu gần đây cho rằng nguyên nhân lupus ban đỏ là hệ quả của tương tác qua lại của yếu tố di truyền và môi trường.
Những người có di truyền mắc bệnh lupus có thể phát bệnh khi họ tiếp xúc với môi trường gây bệnh lupus. Một số tác nhân tiềm ẩn bao gồm:
- Ánh sáng mặt trời: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể gây tổn thương da do lupus hoặc kích hoạt phản ứng bên trong ở những người dễ bị tổn thương.
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng có thể làm khởi phát bệnh lupus hoặc gây tái phát ở một số người.
- Thuốc: lupus ban đỏ có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh. Những người bị lupus do thuốc thường sẽ khỏe hơn khi họ ngừng dùng thuốc.
2. Các triệu chứng của lupus ban đỏ
Các triệu chứng do lupus ban đỏ gây ra khác nhau ở mỗi người. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển chậm, có thể nhẹ hoặc nặng, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hầu hết các trường hợp các triệu chứng đều mắc nhẹ, đặc trưng bởi các đợt bùng phát, sau đó cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn một thời gian.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều vùng trên cơ thể, biểu hiện bằng các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau khớp, cứng khớp và sưng khớp
- Phát ban hình cánh bướm trên mặt, bao phủ má và sống mũi hoặc phát ban ở những nơi khác trên cơ thể.
- Tổn thương da xuất hiện hoặc trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Ngón tay và ngón chân chuyển sang màu trắng hoặc xanh khi tiếp xúc với lạnh hoặc căng thẳng kéo dài
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Khô mắt
- Đau đầu, lú lẫn và mất trí nhớ.

3. Các biến chứng của lupus ban đỏ
Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, có thể gây ra các biến chứng bao gồm:
- Thận: tổn thương thận nghiêm trọng và suy thận, có thể dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ.
- Não và hệ thần kinh trung ương: khi lupus ban đỏ ảnh hưởng đến não bộ, bệnh nhân có thể bị đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, giảm thị lực, thậm chí là đột quỵ hoặc co giật. Nhiều người bị lupus gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của mình.
- Máu và mạch máu: Lupus có thể dẫn đến các vấn đề về máu, bao gồm giảm số lượng hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu) và tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Nó cũng có thể gây viêm mạch máu.
- Phổi: Lupus ban đỏ làm tăng nguy cơ phát triển các tình trạng tràn dịch màng phổi, khó thở, ho ra máu.
- Tim: Lupus ban đỏ có thể gây ra các vấn đề về van tim, viêm cơ tim, màng ngoài tim.
- Nhiễm trùng: người mắc bệnh lupus dễ bị nhiễm trùng hơn tình trạng này làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Biến chứng khi mang thai: phụ nữ bị lupus có nguy cơ sảy thai cao hơn. Lupus làm tăng nguy cơ huyết áp cao trong thai kỳ và sinh non. Để giảm nguy cơ biến chứng này, bác sĩ thường khuyên nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi bệnh được kiểm soát trong ít nhất 6 tháng.

4. Điều trị lupus ban đỏ
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm lupus. Tuy nhiên, việc điều trị và kiểm soát bệnh giúp bệnh nhân sống một cuộc sống bình thường. Bệnh nhân bị đau cơ, khớp, mệt mỏi hoặc phát ban và các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị theo các phương pháp thông thường như:
Dùng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau
- Thuốc giảm đau được dùng phổ biến là acetaminophen, ít gây tác dụng phụ và không gây kích ứng dạ dày.
- Thuốc chống viêm không steriod (NSAID): bao gồm các thuốc ibuprofen, naproxen, indomethacin, celecoxib,...giúp giảm viêm, đặc biệt hữu ích cho chứng đau khớp và cứng khớp. Các thuốc này thường gây kích ứng dạ dày, vì vậy nên dùng kèm với thức ăn, uống với nhiều nước và không nằm luôn sau khi uống thuốc.
- Corticosteroid: thuốc hoạt động giống như cortisol, một loại hormon do tuyến thượng thận sản xuất, có tác dụng giảm viêm mạnh, làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch. Đây là thuốc được kê đơn phổ biến nhất cho bệnh lupus.
Dùng thuốc chống sốt rét
Thuốc chống sốt rét là thuốc được kê đơn được sử dụng cùng với steroid và các loại thuốc khác. Thuốc cải thiện bệnh lupus bằng cách giảm sản xuất kháng thể. Chúng thường được kê đơn cho các trường hợp mệt mỏi, phát ban, đau khớp hoặc loét miệng. Chúng cũng ngăn ngừa tình trạng đông máu bất thường.
Hai loại thuốc chống sốt rét thường được kê đơn ngày nay cho bệnh lupus là hydroxychloroquine và chloroquine.
Tác dụng phụ của thuốc chống sốt rét thường hiếm gặp và nhẹ, bao gồm đau bụng và thay đổi màu da. Các tác dụng phụ này sẽ biến mất khi cơ thể đã thích nghi với thuốc.
Thuốc ức chế miễn dịch
Là loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm và hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Chúng được sử dụng khi steroid không thể kiểm soát được các triệu chứng lupus, hoặc người bệnh không thể dùng steroid liều cao. Tuy nhiên có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng từ loại thuốc này, vì vậy việc sử dụng cần được cân nhắc và theo dõi sát sao.
5. Phòng ngừa bệnh lupus ban đỏ
Vì là bệnh tự miễn và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được tìm hiểu rõ, nên khó để xác định được phương pháp phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao có thể dự phòng bằng cách để ý đến các dấu hiệu cảnh báo của bệnh như triệu chứng mệt mỏi, phát ban trên da theo dạng đặc trưng, đau bụng, đau khớp, chóng mặt.
Ngoài ra, các đối tượng nguy cơ cao có thể chủ động phòng ngừa bằng một số biện pháp sau:
- Tránh ánh sáng mặt trời, hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt. Nếu cần ra ngoài thì nên đội nón, mũ, mặc áo chống nắng, đeo kính, bôi kem đầy đủ để tránh tác động của tia UV.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất. Các thực phẩm giàu vitamin D đặc biệt giúp xương khớp khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh về xương khớp. Hạn chế ăn những thực phẩm chiên xào, dầu mỡ, chứa nhiều cholesterol và muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Luyện tập thể thao, tăng cường thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm mệt mỏi. Nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe,...Tránh những hoạt động quá sức, nên che chắn và sử dụng kem chống nắng khi hoạt động ngoài trời để bảo vệ da.
- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo
Tổng hợp
