Sương mù não: dấu hiệu nhận biết và các giải pháp điều trị

1.Sương mù não là gì?
Sương mù não là thuật ngữ chỉ một loạt các triệu chứng gây suy giảm nhận thức. Giống như tên gọi, các triệu chứng này làm lu mờ tâm trí và gây khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày như trò chuyện, lắng nghe hướng dẫn hoặc ghi nhớ các bước của một việc gì đó đang làm.
Sương mù não không phải là một bệnh lý, nó là triệu chứng xảy ra sau khi bị bệnh, hoặc là tác dụng phụ của thuốc như hóa trị liệu.

2. Triệu chứng
Sương mù não có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Những triệu chứng phổ biến thường gặp là:
- Khó tập trung hoặc chú ý
- Lú lẫn
- Mệt mỏi
- Hay quên
- Mất đi mạch suy nghĩ
- Mệt mỏi về tinh thần
- Khó khăn khi chọn từ ngữ phù hợp
- Suy nghĩ và phản ứng chậm

3. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sương mù não. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Nhiễm Covid
Sương mù não có liên quan đến Covid, đây là một nhóm các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí là nhiều năm sau khi nhiễm Covid. Một số người đã báo cáo tình trạng mệt mỏi cực độ, các vấn đề về trí nhớ và khó tập trung sau khi mắc covid.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) gây ra tình trạng mệt mỏi về nhận thức và thể chất kéo dài hơn 6 tháng. Những người mắc CFS thường có triệu chứng sương mù não như khó tập trung và suy nghĩ chậm chạp. Chưa có cách điều trị hoàn toàn CFS, nhưng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh bằng thuốc chống trầm cảm, hoặc các phương pháp như mát-xa hoặc thiền.
Trầm cảm
Trầm cảm gây ra mất hứng thú với các hoạt động yêu thích và cảm giác buồn phiền, chán nản. Người bệnh trầm cảm có suy nghĩ và lời nói chậm, khó khăn khi đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.
Thay đổi nội tiết tố
Những thay đổi về hormon, như trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh, có thể gây ra những vấn đề về nhận thức. Một nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ trong các thời điểm có sự thay đổi về lượng estrogen và progesterone thường hay quên và khó tập trung.
Thiếu ngủ
Một số rối loạn giấc ngủ có thể gây nên hiện tượng sương mù não như: mất ngủ, ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ, ngáy ngủ. Những rối loạn này có thể dẫn đến mệt mỏi và các vấn đề về chú ý, cảm giác bối rối và khó tập trung.

Bệnh Lupus
Lupus là một rối loạn tự miễn mạn tính, gây ra tình trạng viêm và phát ban. Bệnh Lupus gây ra sương mù não, còn được gọi là tình trạng “sương mù lupus”, có thể dẫn đến các triệu chứng như: lú lẫn, khó tập trung, khó khăn trong việc nhớ lịch trình, xử lý công việc,...
Bệnh đa xơ cứng (MS)
Đa xơ cứng (MS) là một bệnh viêm mạn tính gây ra các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương. Những tổn thương này ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc, cách suy nghĩ và chức năng vận động. Một số bằng chứng cho thấy MS có liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Không ngủ hoặc ngủ không ngon giấc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sương mù não.
Căng thẳng
Lo lắng và căng thẳng làm tăng hormon cortisol, một hormon được sản xuất từ tuyến thượng thận. Mức cortisol kéo dài có thể làm giảm trí nhớ, khả năng tập trung và làm suy yếu khả năng xử lý thông tin. Thường xuyên lo lắng và căng thẳng cũng gây rối loạn giấc ngủ, cũng là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng sương mù não trầm trọng hơn.
Ung thư
Sương mù não là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các thuốc hóa trị. Những người gặp phải vấn đề này thường thấy khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ, khó tập trung và khó nhớ lại ký ức.
4. Làm thế nào để cải thiện sương mù não?
Sương mù não bao gồm một loạt các triệu chứng liên quan đến nhận thức và khả năng ghi nhớ. Một số biện pháp có thể chăm sóc não bộ và cải thiện các triệu chứng bao gồm:
Dinh dưỡng hợp lý
- Tăng cường thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, hạt chia, óc chó để tăng cường chức năng não
- Bổ sung chất chống oxy hóa như trái cây ( việt quất, cam, bưởi, táo), rau xanh ( bông cải xanh, cải kale,...) giúp giảm viêm
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn và đường tinh luyện
- Uống đủ nước, không để cơ thể bị quá khát
Tăng cường chất lượng giấc ngủ
- Ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, nên ngủ theo giờ giấc cố định
- Hạn chế ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính trước khi ngủ
- Tránh các chất kích thích như rượu, trà, cà phê vào buổi tối.
Tránh căng thẳng
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường tuần hoàn não, lưu thông máu, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ
- Thiền và hít thở sâu giúp thư giãn hệ thần kinh
- Nghe nhạc, viết nhật ký có thể giúp giảm căng thẳng

Tập thể dục cho não
- Tránh đa nhiệm, tập trung vào từng việc một để tránh căng thẳng cho não
- Chơi cờ, đọc sách, giải đố, học kỹ năng mới giúp não bộ linh hoạt hơn.
Nguồn tham khảo
- https://www.health.com/condition/alzheimers/brain-fog-causes
- https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/brain-fog
